Mặc dù đã bước sang tháng cuối cùng của quý 1/2021, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án chưa được triển khai, cầu tín dụng vẫn thấp. Do đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng ở trạng thái dồi dào, lãi suất huy động không có nhiều thay đổi khi duy trì mặt bằng thấp.
THANH KHOẢN DỒI DÀO, LÃI SUẤT DUY TRÌ THẤP
Sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, thanh khoản hệ thống ngân hàng bắt đầu dồi dào trở lại. Điều này thể hiện rõ nhất trên thị trường liên ngân hàng khi lãi suất chào bình quân VND có những bước giảm lớn.
Cụ thể, đến phiên giao dịch ngày 3/3, lãi suất qua đêm VND trên liên ngân hàng chỉ còn ở mức 0,39%/năm, giảm tới 2,13 điểm phần trăm so với tháng trước.
Tại diễn biến khác, cầu tín dụng đầu năm vẫn chưa tăng cao. Riêng tại địa bàn Hà Nội trong 2 tháng đầu năm, tổng dư nợ mới đạt 2.217 nghìn tỷ đồng, tức chỉ tăng 0,6% so với thời điểm kết thúc năm 2020, trong đó dư nợ cho vay đạt 2.002 nghìn tỷ đồng, chiếm 90,3% tổng dư nợ.
Với việc thanh khoản dồi dào nhưng cầu tín dụng chưa bật tăng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tháng 3/2021 tại nhiều ngân hàng không có nhiều thay đổi và tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Trong đó, ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, biểu lãi suất huy động được giữ nguyên so với tháng trước.
Ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, ACB điều chỉnh tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm ở lãi suất huy động kỳ 3 tháng, xuống còn 3,2%/năm.
Ngoài ra, SCB thực hiện điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, đưa lãi suất này xuống còn 6,8%/năm.
Hay như tại BacABank, lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng của ngân hàng này đồng loạt giảm 0,2 điểm phần trăm vào niêm yết ở mức 3,6%/năm. Trong khi kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng cùng lúc điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm cho mỗi kỳ hạn.
Các ngân hàng khác như LienVietPostBank, SeABank, TPBank… lãi suất cùng tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp và không thay đổi so với cùng kỳ tháng 2/2021.
Trái lại cũng có một số ít ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tại một số kỳ hạn gửi. Tiêu biểu như tại ACB, lãi suất huy động dành cho kỳ hạn 2 tháng, 3 tháng được điều chỉnh tăng đồng loạt 0,1 điểm phần trăm. Hay lãi suất tiền gửi thường dành cho khách hàng cá nhân tại VPBank cũng được tăng lên 0,05 - 0,2 điểm phần trăm tại một số kỳ hạn gửi.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 chuẩn bị được triển khai, trong khi lạm phát tăng trở lại (chỉ số tiêu dùng CPI tháng 2 tăng 1,52% so với tháng trước – mức tăng tháng 2 cao nhất trong vòng 8 năm gần đây), lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trở lại trong thời gian tới.
LÃI SUẤT TIẾT KIỆM Ở EXIMBANK VẪN CAO NHẤT
Thứ tự trong bảng xếp hạng lãi suất tiền gửi tháng này gần như không bị xáo trộn. Eximbank tiếp tục có lãi suất tiền gửi cao nhất ở mức 8,4%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm với số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 tháng và 24 tháng.
ABBank duy trì ở vị trí thứ hai với lãi suất cao nhất không đổi ở mức 8,3%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho mọi số tiền gửi tại kỳ hạn 13 tháng.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) ưu đãi lãi suất 8,2%/năm dành cho các khoản tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 tháng.
Liền sau, một số ngân hàng khác huy động tiền gửi với lãi suất cao có thể kế đến như VietBank với 7,8%/năm; ACB với 7,4%/năm; SCB với 7,3%/năm; Ngân hàng Việt Á với 7,2%/năm; Kienlongbank và Techcombank cùng 7,1%/năm… Song, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên.
Ở nửa dưới bảng xếp hạng, Vietcombank và VPBank là hai ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất tháng 3/2021. VPBank duy trì ở mức 5,5%/năm, áp dụng cho khoản tiền từ 50 tỷ trở lên gửi tại kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Trong khi Vietcombank triển khai lãi suất cao nhất cho mọi khoản tiền gửi tại kỳ hạn 12 tháng.
Chỉ nhỉnh hơn một chút là nhóm ba ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank), cùng có lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.