Ngày 9/10, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thông báo đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Có 10 thành viên tham gia đấu thầu, 4 thành viên trúng thầu. Khối lượng tín phiếu phát hành gần 5.000 tỷ đồng, lãi suất 1%/năm.
Trong tuần trước (từ 2 đến 6/10), Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 46,9 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày. Lãi suất trúng thầu là 1,3%; riêng phiên 6/10 giảm nhẹ còn 1,28%. Như vậy, lãi suất trong phiên 9/10 giảm mạnh so với tuần trước.
Luỹ kế từ 21/9 đến 9/10/2023, nhà điều hành đã hút ròng gần 145.700 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu.
Tỷ giá tăng trở lại 2 tháng gần đây khiến từ cuối tháng 9 Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp ngắn hạn rút bớt VND trong nền kinh tế để hạ nhiệt tỷ giá cũng như giảm bớt dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
Cập nhật từ các báo cáo nghiên cứu thị trường cho thấy trong tháng 9, tỷ giá trung tâm tăng 0,5% so với tháng 8 (MoM). Tỷ giá ngân hàng thương mại tăng 1,3% MoM, tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng 1% MoM. Giá USD tăng trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index tăng 2,2% MoM.
Giá vàng SJC trong nước tiếp tục tăng trong tháng 9/2023 ở cả 2 chiều mua vào (+0.74% MoM) và bán ra (+0.88% MoM), chênh lệch mua bán tăng lên mức 700.000 đồng/lượng cho thấy nhu cầu vàng tăng mặc dù đã giảm nhẹ vào những ngày cuối tháng. Ngược lại, giá vàng thế giới giảm mạnh 4.3% MoM khiến khoảng cách giá vàng SJC trong nước cao hơn giá vàng thế giới, tăng lên 25% (tại ngày 29/9/2023). Giá vàng trong nước tăng lên ngược chiều thế giới trong tháng 9 là do lạm phát và tỷ giá USD/VND tiếp tục có xu hướng tăng trong tháng này, khiến người dân có xu hướng chuộng mua vàng hơn.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái hút ròng, lãi suất liên ngân hàng biến động đi ngang trong tháng 9. Cụ thể, lãi suất qua đêm đi ngang ở mứ 0,2%, kỳ hạn 1 tháng giảm 0,28% xuống 1,1%, 3 tháng tăng 0,24% lên 3,6%, 6 tháng giảm 0,26% MoM xuống 5,1%.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng nhẹ ở các kỳ hạn. Kỳ hạn 1 năm tăng 9 điểm cơ bản (bps) MoM, kỳ hạn 2 năm tăng 4bps MoM, kỳ hạn 10 năm tăng 8bps MoM. Điều này cho thấy các rủi ro vĩ mô có dấu hiệu cần chú ý trở lại trong tháng 9 mặc dù không nhiều.
Theo các chuyên gia, với tình hình xuất siêu mạnh, FDI tăng trưởng trở lại, khách quốc tế hồi phục, lượng dự trữ ngoại tệ bổ sung thêm trong 6 tháng đầu năm sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có đủ vị thế để hạ nhiệt tỷ giá, tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp mạnh tỷ giá để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.