August 17, 2021 | 17:56 GMT+7

Lãi suất và tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng cùng giảm mạnh

Việc giãn cách xã hội kéo dài tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác đã ảnh hướng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tín dụng đầu ra cũng giảm dần khiến tiền trong hệ thống đã nhiều nay bị ùn lại...

Cập nhật từ thị trường cho thấy, lãi suất VND trên liên ngân hàng không còn diễn biến đi ngang mà liên tiếp giảm mạnh trong tuần trước (9-13/8). 

Theo đó, chốt tuần trước, lãi suất VND kỳ hạn qua đêm rơi xuống mức 0,77%/năm thay vì duy trì quanh 1%/năm như trước. Các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tuần cũng giảm 0,1 điểm phần trăm, lần lượt dừng ở mốc 0,85% và 0,96%/năm. 

Các chuyên gia cho rằng, diễn biến trên là do phía nhà điều hành chưa có động thái rút bớt tiền về thông qua kênh thị trường mở. Trong khi các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục được thực hiện khiến nguồn cung VND được cải thiện. Đặc biệt, mới đây Kho bạc Nhà nước cũng đã thí điểm mở kênh “bơm tiền” bằng cách mua lại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn. 

Mặt khác, theo giới chuyên môn, việc giãn các xã hội kéo dài tại vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã ảnh hướng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tín dụng đầu ra cũng giảm dần khiến tiền nhiều nay bị ùn lại, lãi suất VND trên liên ngân hàng càng giảm mạnh. 

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu chuyển phương thức giao dịch của hoạt động mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối từ mua kỳ hạn 6 tháng sang mua giao ngay, giá mua cũng được hạ 225 VND xuống mức 22.750 VND/USD. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ cung cấp thanh khoản lập tức cho hệ thống, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì tích cực.

Với trạng thái dồi dào trên, dù nhà điều hành vẫn duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,5%/năm để tạo kênh hỗ trợ cân đối thanh khoản nhưng suốt thời gian qua cho đến nay hầu như không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này. Mặt khác, mức lãi suất 2,5%/năm ở đây quá cao so với các kênh khác trên thị trường.

Lãi suất và tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng cùng giảm mạnh - Ảnh 1

Quay lại với các phiên giao dịch tuần vừa qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương án mua ngoại tệ như đã nói, giá USD trên liên ngân hàng giảm mạnh. Cụ thể, tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại giảm 100 VND ở cả 2 chiều, xuống mức 22.700/22.930 VND.

Diễn biến trên thị trường tự do có chút khác biệt, một phần do chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng lên gần 9 triệu đồng trong tuần qua – mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Tỷ giá tự do giảm 30 VND ở chiều mua vào và tăng 20 VND chiều bán ra, giao dịch ở 23.125/23.235 VND.

Lãi suất và tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng cùng giảm mạnh - Ảnh 2

Hiện tại, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,2 tỷ USD trong tháng 7/2021, lũy kế nhập siêu 2,4 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2021 – kém thuận lợi hơn so với mức xuất siêu 8,7 tỷ USD của cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư FDI và kiều hối vẫn khả quan nên cung cầu ngoại tệ trong nước khá cân bằng.

Công ty Chứng khoán SSI nhìn nhận: "VND được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực, trong bối cảnh đồng USD được đánh giá sẽ mạnh lên về cuối năm".

Cùng chung xu hướng giảm, lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm cả trên sơ cấp và thứ cấp. Trong đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ 10 năm do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành giảm 0,05 điểm phần trăm xuống 2,4%/năm. Lợi suất trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước gọi thầu giảm 0,02 – 0,07 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn.

Diễn biến lợi tức trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm nhẹ 0,02 – 0,09 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 3 – 10 năm và đi ngang ở các kỳ hạn còn lại. Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (0,32%, không đổi); 3 năm (0,75%; giảm 0,05 điểm phần trăm); 5Y (0,90%, giảm 9 điểm phần trăm); 10 năm (2,09%, không đổi); 15 năm (2,30%; tăng 0,01 điểm phần trăm); 20 năm (2,85%, không đổi); 30Y (2,99%,  giảm 0,02 điểm phần trăm).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate