Chủ tịch Chanel Fashion và Chanel SAS, ông Bruno Pavlovsky, cho biết thương hiệu này đã tăng giá bán 4 dòng túi classic và bộ sưu tập dòng sản phẩm ready-to-wear lên 6% ở khu vực xài đồng euro, 5% ở Anh, 8% ở Nhật Bản, 5% ở Hàn Quốc và 2% ở Hong Kong, từ ngày 3/3. Như vậy, dòng túi cổ điển 11.12 của hãng hiện được bán với giá 8.250 euro, so với 7.800 euro trước đây. Giá của những chiếc túi Boy, 2,55 và Chanel 19 cũng tăng tương ứng từng khu vực.
Đây là lần thứ 6 Chanel tăng giá từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và là lần thứ hai trong vòng 6 tháng, hãng thông báo việc điều chỉnh tăng giá. Giờ đây, người Việt Nam nếu mua các mẫu túi Mini Rectangle, Small Gabrielle, Chanel19 Small và WoC Classic tại các thị trường nói trên sẽ phải rút ví lần lượt số tiền: 101,4 triệu đồng; 117,9 triệu đồng, 131,8 triệu đồng và hơn 68,4 triệu đồng.
Với chiến lược hài hòa toàn cầu của Chanel, mức tăng trên có thể rất nhanh sẽ áp dụng trên khắp thế giới. Kể từ khi mức tăng này có hiệu lực, đối với những người mua hàng ở Hoa Kỳ, có thể thấy mức tăng tiềm năng là khoảng 500 USD (hơn 11,4 triệu đồng) cho mỗi túi. Tất nhiên, những con số trên có thể thay đổi đôi chút.
Trong suốt 6 lần tăng giá trong hơn 2 năm qua, nhiều chuyên giả ''đọc vị'' rằng đây là chiến lược của Chanel nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với một trong những sản phẩm phổ biến nhất của thương hiệu trong khi nhắm vào các đối thủ cao cấp hơn. Sự tăng giá này có thể nhằm mục đích làm cho sản phẩm của Chanel trở nên độc quyền hơn, để có được chỗ đứng cao hơn sản phẩm của Hermès.
Tuy vậy, ông Pavlovsky phủ nhận thông tin Chanel đang đẩy giá túi xách của mình lên cao để tương xứng với túi Birkin của đối thủ Hermès, mà cho rằng việc tăng giá ở một số khu vực một phần do chi phí sản xuất tăng và một phần là do mục tiêu bình ổn giá. "Chúng tôi đang cạnh tranh với Hermès, nhưng không cạnh tranh với bất cứ chiếc túi xách cụ thể nào. Những chiếc túi của Hermès rất tuyệt và chúng hoàn toàn khác những chiếc túi của Chanel. Sự khác biệt giữa chúng tôi đến từ cấu tạo, vật liệu và cả phong cách. Chanel không tăng giá vì lợi ích của chúng tôi hay vì cuộc đua với các đối thủ," ông Pavlovsky nói.
Ông Pavlovsky cho biết Chanel đầu tư rất nhiều vào việc nâng cao chất lượng túi và đảm bảo chúng đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm môi trường. Đồng thời, năm ngoái Chanel đã tăng bảo hành cho túi xách từ hai năm lên 5 năm và ra mắt chương trình "Chanel et moi", cung cấp dịch vụ bảo trì và sửa chữa túi xách cho khách hàng.
Chanel không phải thương hiệu xa xỉ duy nhất tăng giá trong đại dịch. Dior đã tăng giá các sản phẩn trung bình 8% trên toàn thế giới từ ngày 18/1. Tháng trước, Louis Vuitton tăng trung bình 10% giá của những chiếc túi đặc trưng với lý do để bảo vệ lợi nhuận do lạm phát, nguyên liệu thô và chi phí vận chuyển tăng. Tuy nhiên, trong vòng nửa năm (của năm 2021) mà tăng giá tới 4 lần như Chanel thì chưa có thương hiệu xa xỉ nào dám “thử nghiệm”.
Và lần này, việc tiếp tục tăng giá đã đẩy thương hiệu Chanel tới một số hệ luỵ, thấy rõ nhất là sự quay lưng từ chính các khách hàng của mình. Theo trang The Korean Times, các nhà phân tích cho rằng Chanel đang dần đánh mất lòng tin của người tiêu dùng Hàn Quốc, sau một loạt các đợt tăng giá trong 2 năm qua. Ngay khi nhận ra giá sản phẩm Chanel ở Hàn Quốc cao hơn khá nhiều so với các nước châu Á khác, nhiều người tuyên bố tẩy chay nhãn hàng cao cấp.
Bên cạnh vấn đề tăng giá, Chanel tại Hàn Quốc thường xuyên bị phàn nàn về thái độ phục vụ của nhân viên tại các cửa hàng, khiến cho trải nghiệm mua sắm của khách hàng không tương xứng với số tiền họ bỏ ra. Cũng theo trang The Korean Times, nhãn hàng này thậm chí còn bị tố cố ý đầu cơ, tích trữ những mặt hàng bán chạy, chờ đến khi giá tăng mới trưng ra. Một khách hàng cho biết, cô từng nhiều lần tới cửa hàng Chanel tại Seoul để mua túi xách nhưng chỉ về tay không. "Khi tình cờ ghé cửa hàng hôm 3/3, thời điểm hãng điều chỉnh giá, mẫu túi đó đã được trưng bày và đắt hơn 288,9 USD (khoảng 6,6 triệu đồng)", cô nói.
Vì tất cả những lý do trên, các sản phẩm Chanel ngày càng kém hấp dẫn, đặc biệt với khách hàng giàu có. Túi dòng Classic Medium Flap trên thị trường bán lại đã giảm giá 3 triệu won trong thời gian gần đây, từ 14 triệu won xuống còn 11 triệu won. Trên thị trường bán lại túi Chanel, hiện cung đang lớn hơn cầu. Một quan chức của cửa hàng bách hóa lớn ở Hàn Quốc cho biết hơn 70% túi Chanel có sẵn ở đây được mua bởi người bán lại.
"Vì có rất nhiều túi Chanel có sẵn trên các nền tảng bán lại trực tuyến, hình ảnh sang trọng của thương hiệu đã trở nên mờ nhạt. Chanel gần đây đã quyết định không bán sản phẩm của mình cho những người bán lại ghé thăm cửa hàng quá thường xuyên hoặc mua nhiều sản phẩm cùng lúc, nhưng điều đó có lẽ không hiệu quả," đại diện cửa hàng bách hóa này cho hay.
"Hàng hiệu trở nên xa xỉ khi chỉ một số ít người sở hữu nó. Nếu ai cũng có một chiếc túi Chanel trong tay, mọi người sẽ không còn muốn mua sản phẩm nữa," một quan chức trong ngành thời trang xa xỉ Hàn Quốc cho biết. "Sự khan hiếm là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với hàng xa xỉ. Đó là lý do Hermès chỉ bán những chiếc túi Birkin đặc trưng của mình cho một số lượng hạn chế khách hàng VIP". Hiện Chanel Hàn Quốc nói rằng họ không có gì để bình luận về tình trạng này.