Ngày 15/6/2022, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh”.
Chương trình nhằm phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình, giải pháp số hóa, liên thông, tích hợp, chia sẻ và khai thác dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ số. Phát triển sản phẩm, giải pháp và mô hình phục vụ phát triển đô thị thông minh; các tiện ích đô thị thông minh phục vụ cho cộng đồng trong đô thị; giải pháp số hóa, liên thông, tích hợp và khai thác dữ liệu không gian đô thị và cơ sở dữ liệu khác phục vụ phát triển đô thị thông minh. Làm chủ, ứng dụng công nghệ số trong quy hoạch, quản lý, giám sát và vận hành đô thị thông minh.
Chương trình cũng đặt mục tiêu làm chủ công nghệ trong thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm và ứng dụng các sản phẩm, giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin cho các hệ thống cung cấp dịch vụ công, hệ thống thông tin quan trọng trong Chính phủ số và đô thị thông minh. Phát triển hệ thống đánh giá an ninh mạng, an toàn thông tin, hệ thống hỗ trợ giám sát an ninh mạng phục vụ Chính phủ số và đô thị thông minh.
Ngoài ra, chương trình cũng sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh tại Việt Nam, bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu số giữa các hệ thống thông tin trong Chính phủ số, kết nối liên thông với Mạng lưới các đô thị thông minh khu vực ASEAN.
Dự kiến, thông qua chương trình này sẽ tạo ra các sản phẩm giải pháp tích hợp bảo đảm phục vụ hoạt động của Chính phủ số và đô thị thông minh. Cụ thể như: các thiết bị mạng trung tâm dữ liệu, mạng truyền dẫn, mạng lõi và truy cập vô tuyến băng rộng tích hợp, vô tuyến băng hẹp, tiêu thụ năng lượng thấp; thiết bị bảo mật hệ thống, bảo mật phần cứng, phần mềm, xác thực điện tử, liên hiệp định danh; thiết bị đầu cuối phục vụ truy cập thông tin, cảm biến kết nối Internet băng thông rộng, tích hợp các thiết bị IoT,...
Bên cạnh đó là các mô hình, phần mềm, dịch vụ, giải pháp tích hợp cho phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh; giải pháp số hóa dữ liệu; kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin quốc gia, hạ tầng đô thị thông minh; giải pháp lưu trữ thông tin, dữ liệu lớn trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây; giải pháp lưu trữ, bảo mật và minh bạch dữ liệu trên nền tảng công nghệ Blockchain; mô hình, giải pháp phân tích dữ liệu lớn phục vụ Chính phủ số và đô thị thông minh…
Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, tối thiểu 30% nhiệm vụ có kết quả có thể tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tương đương với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực, thúc đẩy phát triển thị trường. Tối thiểu 30% nhiệm vụ có kết quả được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Khoảng 20% nhiệm vụ có kết quả làm tiền đề cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ ở giai đoạn tiếp theo. Khoảng 80% nhiệm vụ nghiên cứu có kết quả được ứng dụng phục vụ cho các hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước hoặc có thể thương mại hóa.