November 03, 2023 | 16:34 GMT+7

Lâm Đồng phát triển mô hình 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế và 3 cực tăng trưởng

Thanh Xuân -

HĐND tỉnh Lâm Đồng vừa thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh xác định việc tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế và 3 cực tăng trưởng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Lâm Đồng sẽ phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, tự cân đối ngân sách và có điều tiết nộp ngân sách về Trung ương. Tỉnh cũng đẩy mạnh việc tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu nông nghiệp hướng đến nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại. Đồng thời, phát triển du lịch chất lượng cao; xây dựng TP.Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Theo quy hoạch, Lâm Đồng định hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế và 3 cực tăng trưởng. Cụ thể, 3 tiểu vùng gắn với 3 cao nguyên Lang Biang, Di Linh và Bảo Lộc. Trong đó, TP.Đà Lạt là hạt nhân của tiểu vùng 1, thị trấn Di Linh là hạt nhân của tiểu vùng 2, TP.Bảo Lộc là hạt nhân của tiểu vùng 3.

Ngoài ra, còn có 5 hành lang kinh tế gồm 2 hành lang kinh tế Đông Tây: cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Liên Khương (Lâm Đồng), cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương (Lâm Đồng), quốc lộ 20 – quốc lộ 27C; đường tỉnh ĐT.725; và 3 hành lang kinh tế Bắc Nam: quốc lộ 28, quốc lộ 27, quốc lộ 55B. Cùng 3 cực tăng trưởng: TP.Đà Lạt, đô thị Đức Trọng và TP.Bảo Lộc.

Bên cạnh đó, về phương án phát triển khu vực có vai trò động lực, Lâm Đồng nghiên cứu phát triển cấu trúc không gian đến năm 2045 chia thành 3 vùng chức năng xây dựng đô thị. 

Tiểu vùng 1: Đà Lạt (sáp nhập huyện Lạc Dương) - Đức Trọng - Đơn Dương - Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà). Trong đó, TP.Đà Lạt là trung tâm của tiểu vùng 1; huyện Đức Trọng là đô thị trung tâm hành chính - chính trị mới của tỉnh, san sẻ chức năng với TP.Đà Lạt.

Tiểu vùng 2: Di Linh - Đam Rông - Lâm Hà (thị trấn Đinh Văn và xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Thanh). Trong đó, thị trấn Di Linh là trung tâm của tiểu vùng 2.

Tiểu vùng 3: Bảo Lộc - Bảo Lâm - Đạ Huoai mới (Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên hiện hữu). Trong đó TP.Bảo Lộc là trung tâm của tiểu vùng 3.

Đến giai đoạn 2045 – 2050, định hướng phát triển tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với cấu trúc không gian có: 3 quận, 3 thị xã mới và 3 huyện.

Ngoài ra, đối với việc quy hoạch hệ thống đô thị, Lâm Đồng lên phương án đến năm 2025 có 17 đô thị. Trong đó: 1 đô thị loại II (TP.Đà Lạt sáp nhập với huyện Lạc Dương); 1 đô thị loại III (TP.Bảo Lộc sáp nhập với 5 xã của huyện Bảo Lâm); 5 đô thị loại IV; 10 đô thị loại V. Đến năm 2030, tỉnh sẽ đầu tư, nâng cao chất lượng đô thị và phân loại đô thị. Trường hợp tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhanh chương trình phát triển đô thị thì tỉnh phát triển thêm 5 đô thị loại V. Riêng tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với 3 quận, 3 thị xã và 3 huyện.

Về phương án phát triển các khu chức năng, đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng phát triển 3 khu công nghiệp với tổng diện tích 538 ha. Trong đó, đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Lộc Sơn và Khu công nghiệp Phú Hội; hoàn thành thủ tục pháp lý, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển sản xuất Khu công nghiệp Phú Bình. 

Với các cụm công nghiệp: giữ nguyên 8 cụm công nghiệp hiện hữu có tổng diện tích 263,28ha và điều chỉnh tăng, giảm diện tích 2 cụm công nghiệp phù hợp với thực tế phát triển; Bổ sung 8 cụm công nghiệp, tổng diện tích 466,49ha. Sau khi điều chỉnh và bổ sung mới, thời kỳ 2021-2030 và sau năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ quy hoạch 18 cụm công nghiệp, quy mô khoảng 792,16ha.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate