Lạm phát cả năm ở Argentina đạt mức cao nhất hơn 3 thập kỷ, vượt ngưỡng 100% lần đầu tiên kể từ năm 1991, trong một dấu hiệu cho thấy Chính phủ nước này không thành công trong việc kiểm soát đà leo thang của giá cả - nhân tố đang gây ra những thách thức to lớn đối với nền kinh tế ở quốc gia vùng Nam Mỹ.
Tờ Financial Times dẫn số liệu từ Indec - cơ quan thống kê của Chính phủ Argentina - cho thấy giá tiêu dùng ở nước này tăng 6,6% trong tháng 2, nâng tổng mức tăng trong 12 tháng lên 102,5%. Đây là mức lạm phát cao nhất ở Argentina kể từ khi nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát phi mã vào đầu thập niên 1990, và đưa Argentina vào hàng ngũ những nền kinh tế có mức lạm phát ngất ngưỡng nhất thế giới hiện nay.
Trong hai tháng đầu năm, lạm phát ở Argentina là hơn 13%. Tính đến tháng 2, lạm phát ở nước này đã có 13 tháng liên tiếp ở mức hơn 4% mỗi tháng.
Dữ liệu lạm phát này được đưa ra vào một thời điểm phức tạp đối với chính quyền trung hữu của Tổng thống Alberto Ferrnandez vốn hy vọng sẽ giải toả được áp lực tài chính đối với cử tri trước thềm cuộc bầu cử nhiều thách thức vào tháng 10 năm nay.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây liên tục cho thấy lạm phát đang là mối lo lớn nhất của cử tri Argentina, tiếp theo là nạn tham nhũng và đói nghèo.
Giá cả tăng vọt ở Argentina được cho là có nguyên nhân chủ yếu từ việc Ngân hàng Trung ương in tiền ồ ạt, cộng thêm chiến tranh Nga-Ukraine đẩy vật giá leo thang. Lượng tiền trong lưu thông ở Argentina đã tăng gấp 4 lần trong 23 năm cầm quyền đầu tiên của ông Fernandez - theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương nước này.
Với mức lạm phát trên 100%, Argentina hiện chỉ đứng sau Zimbabwe, Lebanon, Venezuela và Syria về tốc độ tăng giá. Tất cả các quốc gia này đều có mức lạm phát 3 con số trong năm 2022.
Giới chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát ở Argentina sẽ dai dẳng ở mức cao trong suốt năm nay, và họ cũng tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp mà Chính phủ nước này triển khai để hãm đà leo thang của giá cả.
Một chương trình kiểm soát giá cả của Chính phủ Argentina mang tên “Giá hợp lý” đã tạm thời đóng băng giá của hơn 1.700 mặt hàng cho tới tháng 12. Tuy nhiên, cách làm này chưa đủ để kéo lạm phát xuống do nền kinh tế Argentina có những mất cân đối nghiêm trọng. Hồi năm 2021, cách thức chống lạm phát tương tự cũng đã được Argentina áp dụng, nhưng không thể ngăn lạm phát tiếp tục tăng cao trong khi niềm tin của người tiêu dùng không ngừng xấu đi.
Đầu tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi Argentina tăng cường nỗ lực chống lạm phát để giữ vững kế hoạch mà trong đó định chế có trụ sở ở Washington cấp cho Argentina 44 tỷ USD vốn vay.
IMF cảnh báo về “những trở ngại chính sách” trong bối cảnh thời tiết hạn hán nghiêm trọng phá huỷ mùa màng và làm suy giảm xuất khẩu nông sản - một nguồn thu ngân sách quan trọng của Chính phủ Argentina. Dự trữ ngoại hối ròng của nước này dao động quanh ngưỡng 4,2 tỷ USD ở thời điểm tháng 2 - theo giới phân tích.
Năm ngoái, Buenos Aires đã tích cực vận động để IMF hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay đối với nước này, đề nghị các nhà điều hành IMF đưa ra yêu cầu bớt nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine và điều kiện thời tiết cực đoan.
Theo dự kiến, Argentina sẽ nhận được 5,3 tỷ USD từ IMF trong tháng này, nhưng phải chờ sự phê chuẩn của ban điều hành IMF.