May 15, 2023 | 18:32 GMT+7

Lạm phát vượt 100%, Argentina tính nâng lãi suất lên gần 100%

An Huy -

Do chính sách mạnh tay in tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách chính phủ, lạm phát ở Argentina trong tháng 4 vừa qua là 109% so với cùng kỳ năm ngoái...

Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina - Anh: Bloomberg.
Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina - Anh: Bloomberg.

Chính phủ Argentina dự kiến công bố một loạt biện pháp khẩn cấp mới vào ngày 15/5, bao gồm tăng lãi suất 6 điểm phần trăm lên 97%, nhằm chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất 2 thập kỷ ở quốc gia Nam Mỹ này.

Theo tờ Financial Times, Chính phủ Argentina đang cố gắng xoay sở để tránh phải có một cuộc phá giá tiền tệ lớn trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, nước này đang cạn dự trữ ngoại hối vì người dân không muốn giữ đồng nội tệ Peso đang mất giá với tốc độ chóng mặt nên ồ ạt đi mua USD.

Do chính sách mạnh tay in tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách chính phủ, lạm phát ở Argentina trong tháng 4 vừa qua là 109% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1991. Bộ Kinh tế nước này cho biết các biện pháp khẩn cấp sắp công bố sẽ bao gồm việc Ngân hàng Trung ương can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn đà rớt giá của đồng Peso.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Argentina, ông Sergio Massa, đang cố gắng thuyết phục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhanh chóng giải ngân các khoản vay đã được nhất trí. Ông cũng sẽ bay tới Trung Quốc vào ngày 29/5 để thảo luận về tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch thương mại song phương. Tháng trước, Argentina kích hoạt một thoả thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc cho phép Argentina thanh toán hơn 1 tỷ USD tiền nhập khẩu hàng hoá trong tháng này bằng Nhân dân tệ.

Trong năm qua, IMF đã tỏ ra “nhân từ” với Argentina, cho phép nước này đặt ra những mục tiêu thoáng hơn cho việc tăng dự trữ ngoại hối và giảm in tiền nhằm đổi lấy khoản cứu trợ 44 tỷ USD của định chế có trụ sở ở Washington DC. Tuy nhiên, khó có chuyện IMF sẽ đẩy nhanh việc giải ngân tiền cứu trợ vì chỉ còn vài tháng nước là bước vào cuộc bầu cử có thể mang tính chất bước ngoặt của Argentina, mà ở đó Chính phủ hiện tại có thể hứng thất bại.

Ông Massa cũng có kế hoạch cho phép nhập khẩu lương thực-thực phẩm với thuế suất bằng 0 để kéo lạm phát xuống - một động thái chưa có của quốc gia đang là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Chính phủ Argentina còn tính hạ lãi suất trong một chương trình nhà nước dành cho người dân vay tín dụng để chi tiêu vào những sản phẩm sản xuất trong nước, nhằm thúc đẩy nền sản xuất trong nước.

Gói biện pháp mới sắp được công bố không phải là một bước ngoặt chính sách của Argentina, mà chỉ là một nỗ lực tiếp theo khẳng định chính sách can thiệp mạnh tay của nhà nước vào nền kinh tế. Cho tới thời điểm hiện tại, chính sách này chưa phát huy tác dụng như mong muốn trong việc kéo lạm phát xuống hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, chính sác này đi kèm với nhiều rủi ro, bao gồm lãi suất tăng liên tục khiến cho số tiền lãi phải trả cho khối nợ khổng lồ trong nước ngày càng lớn hơn.

“Đây chỉ là một hình thức ‘câu giờ’ mà thôi”, ông Hector Torres, một chuyên gia của tổ chức nghiên cứu CIGI ở Canada, người trước đây từng là một quan chức IMF và một nhà ngoại giao Argentina, nhận định.

“Tôi không phản đối việc các ngân hàng trung ương sử dụng dự trữ ngoái hối để làm dịu các biến động và chống lại các nhà đầu cơ tiền tệ. Nhưng Argentina đã cạn dự trữ rồi, đã vay IMF nhiều rồi, và chẳng tiếp cận nổi với thị trường vốn. Trong hoàn cảnh như vậy, việc vay ngoại tệ từ IMF để bán ra nhằm bảo vệ một mức tỷ giá không bền vững chính là một hành động bất cẩn. Cách làm này sẽ chỉ mời gọi các nhà đầu cơ đặt cược vào một vụ vỡ nợ mới”.

Giới chuyên gia kinh tế đã chỉ trích việc Chính phủ Argentina kiểm soát tỷ giá hối đoái và giá cả hàng hoá, cho rằng chính sách này gây ra những bóp méo lớn, cản trở đầu tư và sản xuất. Nhiều nhà dự báo cho rằng kinh tế Argentina sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Trong đó, Oxford Economics dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Argentina giảm 1,6%, triển vọng tệ nhất trong số các nền kinh tế lớn ở khu vực Mỹ Latin.

Trong bối cảnh cuộc tranh luận chính sách gay gắt giữa Tổng thống Alberto Fernandez và Phó tổng thống có sức mạnh chính trị đáng gờm Cristina Ferrnandez de Kirchner, Bộ trưởng Massa được xem là một trong số ít những lựa chọn còn lại của phong trào dân tuý Peronist để một trở thành ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 10.

Tuy nhiên, kế hoạch của ông Massa nhằm cố gắng vực dậy nền kinh tế bằng các biện pháp can thiệp tạm thời, tránh các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đau đớn trước cuộc bầu cử, đang gặp phải ngày ngày càng nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu nông sản của Argentina. Cơ hội của ông Massa trong cuộc bầu cử sắp tới đang phụ thuộc vào việc kế hoạch kinh tế của ông có thành công trong những tháng tới hay không.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate