April 21, 2023 | 12:06 GMT+7

Làm rõ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Nhật Dương -

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 60 tuổi trở lên và từ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, song điều kiện hưởng lại từ đủ 80 tuổi trở lên. Góp ý về nội dung này, một số cơ quan cho rằng có sự mâu thuẫn và cần làm rõ hơn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định trợ cấp hưu trí xã hội là chính sách mà ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng khác.

Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Các chế độ trợ cấp hưu trí xã hội bao gồm: trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng.

Tuy nhiên, liên quan đến chế độ, chính sách cho người cao tuổi, pháp luật hiện hành đã có các quy định như: Luật Người cao tuổi năm 2009; Nghị định số 06/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Người cao tuổi; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Đồng thời, tại điểm b khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật về điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi “Không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác”; không quy định loại trừ đối tượng đang được hưởng “trợ cấp xã hội hằng tháng” khác.

Góp ý về nội dung này, Bộ Tư pháp cho rằng như vậy với các quy định trên, việc thực hiện chế độ trợ cấp hưu trí xã hội có thể dẫn đến chồng chéo, trùng lặp về chính sách và đối tượng hưởng chế độ này.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên và từ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại dự thảo cũng quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 80 tuổi trở lên.

Trong khi đó, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa giải trình, làm rõ lý do, mục đích quy định khác nhau về độ tuổi nêu trên khi thực hiện chế độ trợ cấp hưu trí xã hội. Để đảm bảo tính hợp lý, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, làm rõ vấn đề nêu trên.

Đối với mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, dự thảo Luật quy định mức 500.000 đồng/người/tháng và mức trợ cấp mai táng 10 triệu đồng, Bộ Tư pháp cho rằng, quy định về các mức trợ cấp này có sự khác nhau so với mức trợ cấp xã hội hằng tháng và trợ cấp mai táng quy định tại Nghị định số 06/2011/NĐ-CP và Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Dù vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa giải trình căn cứ, cơ sở đề xuất quy định các mức trợ cấp này, cũng như chưa đánh giá, dự kiến được nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cần đảm bảo thực hiện chế độ. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, phù hợp nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Tư pháp đề nghị nghiên cứu, làm rõ cơ sở đề xuất mức trợ cấp và nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện chế độ này.

Về chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ Tư pháp cho biết, qua rà soát cho thấy, quy định này còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ và chưa đảm bảo tính khả thi.

Đơn cử như: quy định “có thời gian đóng bảo hiểm xã hội” nhưng chưa rõ thời gian đóng bảo hiểm ở đây có giới hạn hay không? Hay tất cả các trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (dài hay ngắn) đều được áp dụng chế độ này?

Hay quy định “Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng tùy thuộc vào tổng thời gian đóng, căn cứ tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động” nhưng dự thảo lại quy định “Mức trợ cấp hằng tháng được tính bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội”. Như vậy, quy định về mức trợ cấp hằng tháng có sự mâu thuẫn nhau.  

Người cao tuổi đi khám chữa bệnh. Ảnh - Bệnh viện Lão khoa Trung ương. 
Người cao tuổi đi khám chữa bệnh. Ảnh - Bệnh viện Lão khoa Trung ương. 

Cũng góp ý về chế độ trợ cấp hưu trí, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, dự thảo đã giới hạn số người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thông qua điều kiện về độ tuổi là người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác. Như vậy, những người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi nếu chưa từng tham gia bảo hiểm xã hội sẽ không thuộc đối tượng áp dụng. 

Theo “Tổng Điều tra dân số năm 2019: Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam", dân số cao tuổi năm 2019 là 11,41 triệu, tương ứng với 11,86% tổng dân số. Trong số người cao tuổi tăng thêm, nhóm người cao tuổi từ 60 tuổi đến 69 tuổi có tốc độ tăng cao nhất, tiếp đến là nhóm từ 80 tuổi trở lên.  Do đó, những người cao tuổi (từ 60 tuổi đến 69 tuổi) sẽ là nhóm đông nhất có nhu cầu về trợ cấp hưu trí xã hội, trong khi lại không đủ điều kiện để được hưởng nếu chưa từng tham gia bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, cơ quan này đề nghị làm rõ đối tượng áp dụng của chế độ hưu trí xã hội theo dự thảo Luật và chế độ bảo trợ xã hội trong Luật Người cao tuổi để tránh trùng lặp trong việc thực thi. Dự thảo Luật cũng cần quy định cụ thể lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Cũng góp ý về chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất với việc xác định hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, với tầng thứ nhất là tầng trợ cấp hưu trí xã hội. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, cần quy định chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn. 

Hiện nay, cả nước có trên 5 triệu người cao tuổi (trên 60 tuổi và dưới 80 tuổi không thuộc hộ nghèo; không bị khuyết tật) không được hưởng trợ cấp hàng tháng dẫn đến tuổi già gặp nhiều khó khăn. Nhiều quốc gia trên thế đã xác định trợ cấp tuổi già (Việt Nam đang áp dụng với người trên 80 tuổi) là tầng hưu trí xã hội trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate