May 08, 2025 | 08:15 GMT+7

Làm rõ trường hợp cần thiết UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo điều hành công việc của cấp xã

Nhĩ Anh -

Trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện được chuyển giao cho cấp xã. Do đó, quy định “Trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã” là phù hợp. Tuy nhiên, theo đại biểu cần làm rõ trường hợp cần thiết và bổ sung nguyên tắc này...

Các đại biểu Quốc hội đoàn Tp.Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 7/5.
Các đại biểu Quốc hội đoàn Tp.Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 7/5.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) chiều ngày 7/5, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo đúng kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Điều này cũng bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và các quy định mới trong các luật được sửa đổi, bổ sung, ban hành tại Kỳ họp thứ 9 lần này để các cơ quan, địa phương sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu quả.

CHỦ TỊCH TỈNH CÓ THỂ TRỰC TIẾP ĐIỀU HÀNH CÔNG VIỆC CỦA CẤP XÃ KHI CẦN THIẾT

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết Khoản 4 Điều 11 dự thảo Luật quy định “Trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã”.

Nhất trí với chủ trương bổ sung quy định này vào dự thảo Luật, và thống nhất với ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp nêu tại Báo cáo thẩm tra, đại biểu chỉ rõ trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện được chuyển giao cho cấp xã khiến cho khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều.

Trong khi chính quyền địa phương cấp xã cần có thời gian để được kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực. Theo đó, quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ, xử lý trong trường hợp chính quyền ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao nhằm bảo đảm tính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính, bảo đảm công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn được giải quyết kịp thời, nhanh chóng.

Tuy nhiên, để quy định chặt chẽ, đại biểu đề nghị làm rõ trường hợp cần thiết và bổ sung nguyên tắc khi Ủy ban nhân dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đoàn Hà Nội phát biểu tại tổ chiều 7/5.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đoàn Hà Nội phát biểu tại tổ chiều 7/5.

Cùng quan điểm, đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên, cũng cho rằng “cần phải nêu rõ trong trường hợp nào là cần thiết để tránh tình trạng lạm quyền, can thiệp không cần thiết. Nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cấp nào làm cấp đó chịu trách nhiệm tránh tình trạng “phân cấp phần quyền nhưng vẫn phải đi xin ý kiến”.

Thảo luận vấn đề này, đại biểu đoàn Hà Nội Nguyễn Phương Thủy cho rằng quy định như dự thảo luật là phù hợp bởi trong điều kiện không tổ chức chính quyền địa phương cấp huyện, phần lớn các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã thực hiện. Với mô hình tổ chức mới của cấp xã đòi hỏi phải tăng thêm thẩm quyền, tăng thêm về tổ chức bộ máy để có thể đảm đương các việc, đặc biệt tập trung vào giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, đến cơ sở, các vấn đề phát sinh trên địa bàn.

Trong khi đó, cấp tỉnh tập trung quản lý các vấn đề mang tính vĩ mô hơn trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung trong việc điều hòa, điều phối, phân bổ nguồn lực, hỗ trợ, giám sát, thúc đẩy để cấp xã có thể thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cụm “trường hợp cần thiết” gần như mới chỉ đề cập đến quyền, chưa thể hiện rõ được trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc trực tiếp theo dõi, đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ của cấp xã.

“Chúng ta đang thực hiện mô hình chính quyền cấp xã theo kiểu mới, trách nhiệm rất nhiều, trong khi tổ chức bộ máy hoàn toàn mới, chưa có khả năng đánh giá. Năng lực, trình độ của cấp xã ở các địa phương trên cả nước cũng chưa có sự đồng đều, nơi này thực hiện tốt, nơi khác thực hiện có thể chưa tốt”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, trong khi đang kiện toàn, củng cố, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cấp xã thì phải có cơ chế để tăng trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc khi thấy cấp xã không có khả năng đảm đương được một nhiệm vụ cụ thể thì cấp tỉnh phải có những biện pháp, như cử cán bộ trực tiếp xuống để xử lý, hay có những hướng dẫn cụ thể hơn, hoặc thậm chí trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ để bảo đảm công việc quản lý nhà nước cũng như việc cung ứng các dịch vụ công cho người dân được thông suốt. Quy định như trên chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh nên cần có điều chỉnh để nâng cao hơn vai trò, trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc này.

CÂN NHẮC QUY ĐỊNH CỨNG VIỆC TỔ CHỨC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND CẤP CƠ SỞ

Liên quan đến quy định cơ cấu tổ chức, UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc. Thống nhất với cách thức quy định hiện nay của cơ quan trình, đại biểu Bùi Huyền Mai, đoàn Tp. Hà Nội cho rằng để đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để xây dựng dựng bộ máy cấp xã hoạt động một cách chuyên nghiệp, trơn tru và hiệu quả, chuyên môn hóa cao. Điều này cũng phù hợp, thống nhất với việc chuyển toàn bộ thẩm quyền của cấp huyện xuống cấp xã.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định mở rộng thẩm quyền cho UBND các đô thị đặc biệt như Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Cần phân biệt rõ quy mô đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội có thể có quy mô dân số hơn 100 nghìn dân thì việc tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp xã là cần thiết. Đồng thời phải quy định thêm thẩm quyền cho cấp tỉnh/thành phố linh hoạt trong cách thức tổ chức cơ quan chuyên môn để phù hợp với cách thức quản lý của một đô thị đặc biệt.

Đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu thảo luận.
Đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu thảo luận.

Bên cạnh đó cần quy định thẩm quyền cho UBND thành phố có thể chủ động bố trí đội ngũ cán bộ công chức cho phù hợp với khối lượng công việc căn cứ theo quy mô dân số. Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm 2 thẩm quyền này cho UBND thành phố để tạo điều kiện cho chính quyền cấp xã hoạt động chuyên nghiệp, trơn tru ngay từ đầu.

Về mô hình tổ chức của HĐND và UBND ở cấp xã, dự thảo Luật đang quy định mô hình tổ chức của HĐND cấp xã ngoài việc có tăng hơn về số lượng đại biểu HĐND thì vẫn có 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế-Xã hội như hiện nay, trong khi mô hình tổ chức của UBND cấp xã thì giao Chính phủ quy định để bảo đảm tính linh hoạt.

Quy mô cấp xã có sự chênh lệch tương đối nhiều. Có những đơn vị không thực hiện sắp xếp do ở vị trí biệt lập thì dân số, diện tích cơ bản vẫn như hiện nay hoặc hơn hiện nay một chút. Trong khi so với các đơn vị hành chính cấp xã khác sắp thành lập như phường Hoàn Kiếm (là một nửa quận Hoàn Kiếm hiện nay) hoặc đặc khu Phú Quốc... quy mô và khối lượng công việc, nhiệm vụ sẽ khác nhau. “Do vậy, bộ máy tổ chức ở các đơn vị hành chính phải có sự khác biệt”, đại biểu Thủy nêu quan điểm.

Theo đại biểu, những nơi quy mô quản lý lớn, công việc nhiều thì số lượng người làm việc tại các UBND phải nhiều hơn, và việc tổ chức thành các phòng, ban chuyên môn là phù hợp. Nhưng ở những nơi khối lượng công việc không nhiều, phạm vi quản lý không lớn thì không nhất thiết phải thành lập những phòng, ban như thế để tạo thêm tầng nấc trung gian, trong khi số người làm việc lại ít hơn số người quản lý. Như vậy không đúng với tinh thần tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay.

Về tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp xã, đại biểu Tạ Thị Yên lưu ý việc thành lập phòng chuyên môn cần căn cứ vào yêu cầu, khối lượng công việc, số biên chế tối thiểu để được thành lập tổ chức (cấp phòng) và số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa để tránh tình trạng chia cắt về tổ chức, bộ máy, số lượng lãnh đạo nhiều hơn số lượng công chức trực tiếp thừa hành.

Nêu quan điểm vấn đề này, có đại biểu cho rằng quy định cứng về việc tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp cơ sở là chưa phù hợp. Điều này có thể dẫn đến hình thành các đơn vị như huyện thu nhỏ.

Do đó, đại biểu đề nghị không quy định tổ chức cơ quan chuyên môn của UBND cấp cơ sở như dự thảo luật mà giao Chính phủ quy định việc tổ chức cơ quan chuyên môn hoặc bố trí cán bộ chuyên môn thuộc UBND cấp cơ sở thực hiện tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại từng địa bàn cơ sở, đảm bảo tính linh hoạt , gần dân, sát dân, không phát sinh nhiều tầng nấc trong điều hành.

 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Thảo luận tại tổ 5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được xây dựng sửa đổi một cách căn bản, toàn diện với triết lý, tư duy cải cách, đổi mới, là căn cứ quan trọng để vận hành hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp cũng như toàn bộ nền công vụ của đất nước.

Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính quyền địa phương tập trung một số vấn đề lớn: xác lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thay thế mô hình chính quyền địa phương 3 cấp hiện hữu. Chính quyền địa phương 2 cấp sẽ gồm cấp tỉnh (gồm tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (gồm phường, xã và đặc khu (đối với các huyện đảo).

Việc xác lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vừa đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nhưng quan trọng nhất vẫn là gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn, hướng tới thực hiện mục tiêu của Nhà nước pháp quyền xã hội Chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân.

Luật cũng phân định cụ thể thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương theo hướng phân cấp và phân quyền triệt để hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp. Trong đó, chuyển gần như tuyệt đối nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành về cấp xã mới. Theo Bộ trưởng, có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện sẽ chuyển cho cấp xã, 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện được phân cấp cho cấp tỉnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate