April 25, 2025 | 13:54 GMT+7

Lần đầu công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch

Anh Nhi -

Sáng ngày 25/4, tại Hà Nội, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) đã công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch đầu tiên….

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính), nhấn mạnh việc công bố báo cáo quốc gia đầu tiên này là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện, minh bạch và lấy con người làm trung tâm của Việt Nam.

Báo cáo được xây dựng dựa trên dữ liệu đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn để phân tích thực trạng đăng ký các sự kiện hộ tịch quan trọng này cùng các chỉ tiêu dân số liên quan. Bà Hương khẳng định báo cáo đã phản ánh khách quan những tiến bộ đạt được trong giai đoạn vừa qua, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và thách thức.

Theo bà Hương, báo cáo tuân thủ nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, hướng tới đảm bảo mọi cá nhân, kể cả những nhóm dễ bị tổn thương, đều được ghi nhận sự kiện hộ tịch một cách đầy đủ, kịp thời và bình đẳng.

“Đây sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng cho Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và người dùng tin trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu hộ tịch”, Cục trưởng Cục Thống kê khẳng định.

Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, ông Matt Jackson, chia sẻ rằng dữ liệu chính xác giúp đánh giá hiệu quả chính sách, xác định nhóm đối tượng còn bị bỏ sót, và từ đó xây dựng một hệ thống dữ liệu bao trùm cho tất cả mọi người. UNFPA cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo mọi cá nhân đều được ghi nhận và mọi cuộc đời đều có ý nghĩa.

Trình bày chi tiết hơn về báo cáo, bà Nguyễn Thanh Mai, Phó Trưởng ban Thống kê dân số và Lao động (Cục Thống kê), cho biết Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong đăng ký khai sinh, với tỷ lệ đúng hạn đạt 84,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, tình trạng đăng ký muộn vẫn còn phổ biến ở một số nhóm dân tộc thiểu số. Tương tự, tỷ lệ khai tử đúng hạn cũng đạt 69,3% vào năm 2024, và việc khai tử muộn cũng chủ yếu ở các vùng dân tộc thiểu số.

Báo cáo cũng đưa ra các phát hiện quan trọng về xu hướng dân số: tổng tỷ suất sinh đang có xu hướng giảm xuống dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn dai dẳng, vượt xa mức cân bằng (104-106 bé trai/100 bé gái), đặc biệt phổ biến tại các tỉnh phía Bắc.

Dù vẫn còn sự chênh lệch giữa các dân tộc và vùng miền trong công tác đăng ký, kết quả phân tích khẳng định hiệu quả đầu tư của Chính phủ vào chuyển đổi số hệ thống đăng ký hộ tịch. Việc nâng cao tính kịp thời và chính xác của dữ liệu trong tương lai sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong hệ thống dữ liệu quốc gia.

Ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp), nhấn mạnh Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc không chỉ là nơi lưu trữ thông tin mà còn là thành phần hạ tầng cốt lõi, đóng vai trò nền tảng cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số. Cơ sở dữ liệu này cung cấp thông tin đầu vào chính xác, kịp thời về các sự kiện hộ tịch cơ bản của công dân, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và quyền cơ bản của công dân.

Ngoài ra, Báo cáo khuyến nghị trong thời gian tới cần tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ, tăng cường tập huấn cho cán bộ cơ sở, đẩy mạnh tiếp cận tới các nhóm yếu thế, và tích hợp sâu hơn cơ sở dữ liệu hộ tịch với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số, y tế, giáo dục để phát huy tối đa lợi ích.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate