Theo số liệu phân tích của Refinitiv, trong 3 tháng đầu năm, các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong lĩnh vực công nghệ có tổng trị giá các thương vụ lên tới 274 tỷ USD, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Điển hình là thương vụ ngày 12/4 vừa qua, Microsoft thông báo mua lại Nuance Communications với giá khoảng 19,7 tỷ USD. Nuance Communications chuyên về điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Công ty đã tạo ra công nghệ nhận diện giọng nói giúp Apple Inc cho ra đời trợ lý ảo Siri và là nhà phát hành các phần mềm cho nhiều lĩnh vực từ chăm sóc y tế đến ngành ôtô.
Đây là thương vụ sáp nhập lớn thứ hai của Microsoft, sau thương vụ mua lại LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD vào năm 2016. Hiện, có tới hơn 55% bác sỹ và 75% chuyên gia về X-quang tại Mỹ sử dụng công nghệ của Nuance Communications.
Theo Microsoft, thương vụ thâu tóm trên sẽ tăng gấp đôi giá trị thị trường chăm sóc sức khỏe tiềm năng của hãng, lên mức gần 500 tỷ USD.
Ngoài ra theo nguồn tin của Bloomberg, Microsoft cũng đang thảo luận để mua lại nền tảng chat trong video game Discord với giá hơn 10 tỷ USD. Discord (Mỹ) nổi tiếng với việc cung cấp dịch vụ chat miễn phí, cho phép các game thủ giao tiếp với nhau qua video, âm thanh và văn bản. Trong đại dịch Covid-19, ngày càng nhiều người tìm đến Discord để học tập, làm việc, tổ chức sự kiện...
Tháng trước, tập đoàn công nghệ Microsoft cũng đã hoàn tất mua lại công ty sản xuất game video Zenimax với giá 7,5 tỷ USD.
Ngoài ra, Microsoft cũng tích hợp tính năng nhận diện giọng nói vào các sản phẩm của mình, như công cụ tìm kiếm Bing hay ứng dụng liên lạc Teams.
Tại Việt Nam, thương vụ LG Electronics bán lại nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam cho Vingroup đã đổ bể, do mức giá mà Vingroup đề xuất thấp hơn nhiều so với mức giá mà công ty Hàn Quốc mong muốn.
Quyết định rút khỏi thị trường smartphones của LG xuất phát từ kết quả kinh doanh với khoản lỗ lên tới 4,5 tỷ USD cũng như thị trường smartphones cạnh tranh khốc liệt.
Ngoài ra, các vụ sáp nhập vào SPAC (công ty mua lại mục đích đặc biệt) cũng rất sôi động. Theo Refinitiv, không thực hiện IPO theo cách truyền thống, Grab dự định lên sàn thông qua sáp nhập với một SPAC. Grab được định giá khoảng 34 tỷ USD và đang có kế hoạch trở thành công ty đại chúng trong quý 2 tới.
Tương tự Grab, startup du lịch trực tuyến Traveloka (Indonesia) dự kiến cũng sẽ lên sàn thông qua một công ty SPAC do các tỷ phú Richard Li và Peter Thiel đứng sau và được định giá khoảng 5 tỷ USD.
Quý 2 được dự báo sẽ tiếp tục là một quý sôi động của thị trường M&A toàn cầu. Giới quan sát nhận định, trong dài hạn, các công ty công nghệ tăng trưởng nhanh sẽ nhận được sự quan tâm lớn như điều từng xảy ra tại Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á nổi lên với những startup giá trị như Gojek, startup thương mại điện tử Tokopedia (Indonesia), startup địa ốc trực tuyến PropertyGuru (Singapore)… Trong đó, Việt Nam và Indonesia được dự báo là 2 nước có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.