March 14, 2023 | 19:32 GMT+7

Lần theo dấu vết dòng tiền 433 tỷ đồng của nhóm “siêu lừa”

Đỗ Mến -

Vì sao chỉ là lao động tự do, Hà Thành và đồng phạm lại dựng lên kế hoạch tinh vi để “qua mặt” các ngân hàng? Dòng tiền chiếm đoạt đã đi về đâu, có khả năng thu hồi lại không? là những câu hỏi được quan tâm trong vụ án siêu lừa 433 tỷ đồng...

Quang cảnh phiên tòa.
Quang cảnh phiên tòa.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là lao động tự do, còn Nguyễn Thanh Tùng (SN 1977) là giám đốc Công ty Jeongho Lannmak, đồng thời tham gia thành lập Công ty TNHH Eurocell Việt Nam.

DÙNG DỰ ÁN ĐỂ PHÔ TRƯƠNG VỚI NGÂN HÀNG

Vào khoảng năm 2019, Tùng được người quen giới thiệu mua dự án xây dựng tòa nhà MHD Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Khi đó, dự án đang xây dựng phần tầng hầm.

Thời điểm này, Thành không có tiền, thậm chí còn đang nợ khoảng 80 tỷ đồng. Tùng và Thành bàn với nhau, Thành tiếp tục tìm nguồn tiền để đầu tư mua cổ phần Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội (chủ dự án MHD Trung Văn). Còn Tùng đứng ra mua và có trách nhiệm xây dựng tòa nhà. Khi nào dự án có đủ điều kiện bán căn hộ thì sẽ có tiền trả các món nợ.

Thành đồng ý với phương án trên và quay ra đề nghị bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (chuyên viên quan hệ khách hàng, Phòng Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng VAB, Phòng giao dịch Đông Đô) giúp Thành thực hiện các khoản vay tại VAB. Thành hứa sẽ nhanh chóng xây dựng dự án, bán căn hộ để giải quyết các khoản vay và Thu Hương đã đồng ý.

Thực hiện ý định trên, Tùng và Phạm Thị Ánh Tuyết (SN 1985) đã thỏa thuận với cổ đông để mua cổ phần Công ty đầu tư MHD Hà Nội. Theo thỏa thuận, giá chuyển nhượng 100% cổ phần là 280 tỷ đồng. Nhóm cổ đông cũ làm thủ tục để nhóm của Tùng đứng tên pháp nhân, chủ động điều hành hoạt động công ty. Ngày 24/5/2018, nhóm cổ đông cũ lập hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho nhóm Tùng.

Tùng làm thủ tục đăng ký là Chủ tịch HĐQT, Thành là kế toán Công ty MHD. Song thực chất, Thành và Tùng điều hành mọi hoạt động công ty này. Hai bị cáo này đã sử dụng Công ty MHD để phô trương với nhiều ngân hàng và cá nhân, thực hiện 27 vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền 433 tỷ đồng.

Thủ đoạn của các bị cáo, một mặt là vay tiền của các cá nhân bằng hình thức gửi tiết kiệm đồng sổ hữu vào ngân hàng (có trả lãi ngoài). Mặt khác, Thành cấu kết với các cán bộ ngân hàng, sử dụng sổ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm, giả mạo chữ ký của đồng sở hữu để vay tiền của các ngân hàng.

Do không có hoạt động kinh doanh nên Thành mất khả năng thanh toán. Ngày 7/12/2018, VAB có đơn tố giác hành vi của Thành, Tùng.

Bị cáo Thành đứng trả lời phần thẩm vấn của luật sư.
Bị cáo Thành đứng trả lời phần thẩm vấn của luật sư.

Cáo buộc thể hiện, nhóm của Thành đã chiếm đoạt của Ngân hàng VAB là 274 tỷ đồng, Ngân hàng NCB là 47,5 tỷ đồng, Ngân hàng PVCombank là 49,4 tỷ đồng, các cá nhân khác là 63 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Tùng bị cáo buộc giúp sức cho Thành thực hiện 9 vụ lừa đảo của Ngân hàng VAB số tiền hơn 174 tỷ đồng.

DÒNG TIỀN ĐI ĐÂU?

Theo cáo trạng, số tiền chiếm đoạt Thành sử dụng để mua cổ phần Công ty MHD, một phần để trả nợ đáo hạn các khoản vay tại 3 ngân hàng và trả nợ gốc, lãi cho các cá nhân ngoài xã hội, một phần Thành để đầu tư xây dựng công trình tòa nhà MHD.

Tuy nhiên, quá trình điều tra lại chỉ xác định được khoản tiền 10 tỷ đồng để mua cổ phần.

Cụ thể,  ngày 31/10/2018, Thành cầm cố sổ tiết kiệm đứng tên Triệu Hùng Cường – Tô Hồng Thức để vay VBA số tiền 29,5 tỷ đồng. Khoản tiền này được giải ngân vào tài khoản của Thành, giả danh Triệu Hùng Cường. Tiếp đó, Thành chuyển khoản gần 8 tỷ đồng đến tài khoản của Tùng. Tùng đã chuyển 10 tỷ đồng cho chị Bùi Thị Thu Thủy để trả tiền cổ phần.

Công an xác định, 10 tỷ đồng là vật chứng nhưng đến nay chị Thủy chưa giao nộp. Số tiền còn lại, Thành đều rút tiền mặt ngay sau khi được ngân hàng giải ngân hoặc tất toán khoản vay cũ… Tài liệu điều tra không đủ căn cứ xác định chính xác số tiền Thành chiếm đoạt để sử dụng mua cổ phần Công ty đầu tư MHD Hà Nội.

Còn theo lời khai của Tùng, từ ngày 24/5/2018 đến ngày 1/11/2018, Tùng đã chuyển 85 tỷ đồng để thanh toán tiền mua cổ phần. Tuy nhiên, nhóm cổ đông cũ cho rằng Tùng không có khả năng mua 100% cổ phần như thảo thuận ban đầu nên không đồng ý bán nữa và yêu cầu Tùng trả lại cổ phần.

Ngày 18/10/2018, Tùng đã chuyển trả lại số cổ phần chưa mua và phải viết đơn từ nhiệm chức danh HĐQT.

Khai trước tòa, Tùng cho rằng, bị cáo bị ép buộc phải chuyển nhượng lại cổ phần. Tuy nhiên trước khi vụ việc vỡ lở, Tùng thế chấp dự án MHD cho VAB.

Luật sư đã hỏi lại VAB về tình trạng tài sản thế chấp song đại diện VAB không trả lời.

Còn đại diện Công ty đầu tư MHD Hà Nội xác nhận việc Tùng có mua dự án và chưa trả hết tiền nên phải trả lại cổ phần. Hiện Tùng chỉ còn lại 7,3 triệu cổ phần tại công ty này.

Cũng theo công ty, dự án chưa đủ điều kiện để thế chấp hay chuyển nhượng căn hộ hình thành trong tương lai. Tài liệu công ty nắm giữ cho thấy, bị cáo Thành chưa khi nào là cổ đông hay là chủ công ty. Các tài liệu như biên bản họp… mà bị cáo Thành trưng ra là giả để lừa đảo bị hại và những người liên quan.

 

VAB đã dùng các khoản tiền gửi của các đồng sở hữu tất toán các khoản vay để khắc phục hậu quả. Ngân hàng này cũng có đơn đề nghị tòa án đánh giá việc rút tất toán toàn bộ số tiền trên là có căn cứ.

Luật sư đã hỏi đại diện VAB về vấn đề này song ngân hàng từ chối trả lời. Hiện nay, các đồng sở hữu đề nghị VAB phải thanh toán gốc và lãi trên các sổ tiết kiệm này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate