Thôn Phúc Am (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) là một trong những làng nghề truyền thống làm hình nộm hàng mã. Khác với các địa phương làm hàng mã nổi tiếng khác như làng Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) chuyên sản xuất quần áo và đồ trang sức, làng Văn Hội (Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) chuyên sản xuất tiền vàng,… làng Phúc Am lại chuyên sản xuất hình nộm thú (ngựa, voi…), thuyền rồng và nhà sơn trang.Trước đây, từ cuối tháng 6 Âm lịch, ngay từ cổng làng, đã thấy tập nập thương lái về mua ngựa cúng tế. Tuy nhiên, từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo hạn chế đốt vàng mã, các tăng ni Phật tử cũng khuyên người dân không nên mua vàng mã, mà nên quyên góp quần áo thật để ủng hộ bà con ở những nơi thiên tai, lũ lụt... nên nhu cầu về các sản phẩm vàng mã giảm đáng kể. Tại làng Phúc Am giờ không có cơ sở sản xuất, nhiều gia đình bỏ nghề, chỉ còn một vài hộ gia đình tự sản xuất nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu đi lễ, cúng khấn trong tháng 7 xá tội vong nhân.Về làng Phúc Am khi tháng 7 đã cận kề, chúng tôi chứng kiến sự lặng lẽ, im ắng ở nơi đây. Vẫn còn đó khung nứa, giấy màu, bột hồ... nhưng người dân cho biết, họ chấp nhận sự vắng khách dần đi theo thời gian này, bởi họ cũng nhận thức rõ việc đốt vàng mã có ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường.
Đã vào thời điểm nhu cầu hàng mã tăng cao, nhưng đường vào làng vẫn khá lặng lẽ.
Nhu cầu dùng vàng mã ở các đô thị lớn như Hà Nội hiện nay rất ít. Những mô hình vàng mã lớn như nhà tầng, siêu xe, ngựa, voi... thường được các đền, phủ, miếu đặt hàng để phục vụ cúng lễ xá tội vong nhân…
"Để làm hoàn thiện một mô hình tướng lĩnh phải mất 7 ngày công, khó nhất là phần dựng khung và phối màu..." một nghệ nhân của làng nghề cho hay.
Nghề làm vàng mã đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Tất cả các công đoạn từ vẽ, cắt, dán, làm khung... đều thực hiện hoàn toàn bằng tay.
Công việc này đa phần do những người trung niên làm, và vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây khi ruộng đất không còn.