“Tuần lễ quảng bá Na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 và Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022” đã khai mạc ngày 10/8 và sẽ kéo dài đến ngày 16/8.
Sự kiện này diễn ra tại Khu hội chợ triển lãm, giao dịch Kinh tế và thương mại, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức.
TINH HOA NÔNG SẢN HỘI TỤ VỀ THỦ ĐÔ
Theo Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với quy mô 150 gian hàng, hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn quy tụ nhiều mặt hàng nông lâm thủy hải sản, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Điển hình như: Na Lạng Sơn, quýt Bắc Sơn (Lạng Sơn), quế Văn Yên (Yên Bái), mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang), hồng không hạt Bắc Kạn, chè Tân Cương (Thái Nguyên), chè Shan tuyết Mộc Châu (Sơn La), chả mực Hạ Long (Quảng Ninh), chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam), tôm nõn, mực nhảy Vũng Áng (Hà Tĩnh), hành tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), rau củ quả Mộc Châu, gạo ST25, yến sào Nha Trang, trà thảo dược, đông trùng hạ thảo, nước mắm Ba Làng (Thanh Hóa), nước mắm Phan Thiết…
Tại sự kiện này, tỉnh Lạng Sơn góp mặt 30 gian hàng của tất cả các huyện thành phố, trong đó sản phẩm đạo chính là na Chi Lăng do hàng chục hợp tác xã ở Lạng Sơn đưa đến. Trái na Chi Lăng luôn được người tiêu dùng yêu thích bởi quả đều to, da xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Năm nay, trung bình 1 kg na (khoảng 4 - 5 quả) có giá 35.000 – 50.000 đồng; loại quả to quả nhỉnh hơn (3 quả một kg) có giá khoảng 55.000 - 60.000 đồng một kg. Đặc biệt loại na cỡ đại, trọng lượng mỗi quả lên tới 600-800 gr, có giá bán 80.000 - 120.000 đồng/kg.
Tại phiên chợ này, cùng với sản phẩm na, tỉnh Lạng Sơn cũng giới thiệu, quảng bá một số nông sản đặc sản khác như: hoa hồi, rau đặc sản các loại (cải làn, cải ngồng, rau bò khai, rau sắng…), thạch đen, quýt, hồng vành khuyên... Đây là những sản vật đặc sản của tỉnh Lạng Sơn đã được xếp hạng OCOP 3 và 4 sao.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp kỳ vọng, hội chợ sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, địa phương quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; kết nối việc cung ứng, giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền vào các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
“Phiên chợ còn là dịp để các địa phương, doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ hợp tác, xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của doanh nghiệp và địa phương”, bà Yến chia sẻ.
KẾT NỐI TIÊU THỤ NA
Sau khai mạc hội chợ, Tổ điều hành Diễn đàn nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn, tổ chức “Diễn đàn kết nối tiêu thụ na, nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022”.
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết hiện nay tỉnh đã hình thành vùng sản xuất na tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích năm trên 4.000ha, với trên 1000ha na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Sản lượng na thu hoạch đạt trên 35 nghìn tấn, tổng giá trị sản xuất na thu được ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên ha canh tác na đạt 275 triệu/ha...
Đối với sản phẩm na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cấp chứng nhận được bảo hộ, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản "na Chi Lăng" của tỉnh Lạng Sơn được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam; năm 2017, năm 2018 được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Sản phẩm na Chi Lăng hiện chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước, một phần được bán sang Trung Quốc. Hàng năm, tỉnh Lạng Sơn đều tổ chức “ngày hội na” thu hút được hàng trăm doanh nghiệp của Việt Nam, Trung Quốc đến tham quan khảo sát và ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; hàng chục nghìn người tham dự, tham quan các vườn na, thưởng thức hương vị quả na Chi Lăng.
"Lạng Sơn phát triển các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Đến nay, tỉnh đã có gần 4.000 ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ..."
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.
Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết ngay từ khi đi vào hoạt động, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm na với các hộ thành viên của tổ hợp tác na Thượng Cường với diện tích gần 10ha.
"Trước đây, bà con trên địa bàn sản xuất nông sản thường theo hình thức tự sản xuất, tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Điều này dẫn đến tình trạng đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh. Do đó, hợp tác xã đã chủ động đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ổn định, phù hợp với giá cả thị trường", bà Lý chia sẻ.
Ngoài sản phẩm na Chi Lăng, theo ông Quỳnh, Lạng Sơn còn có nhiều lâm sản, đặc sản nổi tiếng khác, như hoa hồi với diện tích 35.000ha, sản lượng 16.000 tấn/năm; rau đặc sản các loại (cải làn, cải ngồng, rau bò khai, rau sắng…) 9.000ha; thạch đen 3.100ha; quýt 1.500ha, sản lượng 5.500 tấn/năm; hồng không hạt Bảo Lâm và hồng vành khuyên có 2.000ha, sản lượng 7.000 tấn/năm; chè đặc sản Đình Lập; diện tích rừng thông có 126.000ha, sản 55.000 tấn nhựa thông/năm)…
"Đây là những sản vật đặc sản của tỉnh Lạng Sơn đã được xếp hạng OCOP 3 và 4 sao. Thông qua sự kiện này, tỉnh Lạng Sơn mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ đó quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu", ông Quỳnh chia sẻ.
Hoa hồi Lạng Sơn là một trong những loài dược liệu thế mạnh của Việt Nam, đem về giá trị thu được hàng năm trên 1.000 tỷ đồng. Sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Hoa hồi hiện được thu mua, sơ chế biến xuất bán trong nước và một số thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Malaysia, Indonesia…
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho hay, trong 2 năm qua, do đại dịch Covid-19, việc kết nối giao thương giữa các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, tiêu thụ na ở nội địa cũng như xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều trở ngại do thương lái khó sang tận nơi thu mua. Vì vậy, việc tổ chức Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh của Lạng Sơn và thủ đô Hà Nội.