Việc quy hoạch hai nhà máy điện hạt nhân ở hai vị trí khác nhau sẽ khiến cho Ninh Thuận gặp khó khăn trong phát triển du lịch và tốn kém cho ngân sách nhà nước.
Quan điểm trên được Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, ông Nguyễn Chí Dũng, đưa ra khi nói về chủ trương của Chính phủ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại địa phương này.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Ninh Thuận, trong khi tỉnh đang tiến hành lập quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội với chi phí lên đến hàng triệu USD thì việc ấn định địa điểm nhà máy trước khi quy hoạch tổng thể được phê duyệt sẽ khiến cho địa phương này “dễ thở” hơn nhiều.
Trao đổi với VnEconomy về tiến độ cũng như những bất cập xung quanh quá trình triển khai dự án điện hạt nhân, ông Dũng nói:
- Theo chủ trương của Chính phủ, đến năm 2014 sẽ khởi công hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước, đặt tại tỉnh Ninh Thuận. Bao gồm Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam trên tổng diện tích là 540 ha đất liền và 310 ha mặt nước biển. Dự kiến, tổ máy đầu tiên sẽ vận hành thương mại vào năm 2020.
Còn Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 dự kiến sẽ xây dựng tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
Hiên chúng tôi đang tập trung làm quy hoạch cho khu tái định cư, giải phóng mặt bằng để có thể đảm bảo khởi công dự án đúng tiến độ.
Tại sao vừa qua tỉnh Ninh Thuận lại kiến nghị Chính phủ chuyển địa điểm xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2?
Chúng tôi đề xuất gom hai nhà máy về một địa điểm vì như thế sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất của tỉnh Ninh Thuận.
Chúng tôi cho rằng, nếu chuyển thì sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước rất nhiều, bởi nếu để hai nhà máy hai nơi khác nhau thì chắc chắn kinh phí cho hạ tầng cũng gấp đôi so với xây cùng một chỗ.
Bên cạnh đó, hiện quy hoạch của Ninh Thuận thì phía Bắc là du lịch, phía Nam dành cho công nghiệp, trong khi đó Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 lại nằm ở phía Bắc của tỉnh. Nếu xây ở đây sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển du lịch của Ninh Thuận.
Thực ra, vấn đề này đã được nghiên cứu 10 năm trước nên khi Chính phủ quyết định chúng tôi cũng tuân theo thôi. Chỉ đến khi chúng tôi lập quy hoạch mới thì thấy việc hai nhà máy cách xa nhau là bất cập, nên mới kiến nghị chuyển địa điểm về một chỗ để tạo điều kiện cho chúng tôi phát triển kinh tế biển.
Tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp, nếu còn điều kiện có
thể chuyển thì nên chuyển, còn nếu không thì chúng tôi vẫn phải thực
hiện theo chủ trương của Chính phủ.
Phản hồi của người dân Ninh Thuận về việc xây hai nhà máy này như thế nào, thưa ông?
Sau các lần lấy ý kiến, người dân đồng thuận rất cao và xem đây như là một niềm tự hào của tỉnh Ninh Thuận.
Hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đang được chúng tôi lập kế hoạch chi tiết để đảm bảo là dân hài lòng nhất, ủng hộ nhất. Việc xử lý chất thải của nhà máy cũng đã được chúng tôi tính toán chi tiết trong dự án.
Vừa qua, Chính phủ có tổ chức tham quan, khảo sát các nhà máy điện hạt nhận tại Trung Quốc và một số nước khác. Người dân Ninh Thuận có được tham gia không?
Có chứ, lãnh đạo và nhân dân Ninh Thuận chúng tôi đã được đi rất nhiều nước, thậm chí là cấp xã, già làng trưởng bản cũng đã được đi khảo sát, tham quan.
Khi đến đó, chúng tôi nhận thấy cuộc sống của người dân các nước hoàn toàn bình thường, nên đồng thuận của người dân Ninh Thuận là rất cao.
Tôi nghĩ, việc đặt nhà máy tại Ninh Thuận là một niềm tự hào rất lớn, bởi chúng tôi là địa phương đầu tiên có nhà máy điện hạt nhân. Đây có thể là cơ hội mở ra nhiều nhân tố mới để trở thành động lực mới cho chúng tôi thoát nghèo. Tuy nhiên, đây cũng là một trách nhiệm, một thách thức rất lớn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate