August 17, 2022 | 20:53 GMT+7

Lao đao vì khủng hoảng khí đốt, tập đoàn tiện ích Đức lỗ ròng hơn 12 tỷ USD

Đức Anh -

Tập đoàn Uniper cảnh báo rằng phải tới năm 2024 mới có thể lãi trở lại. Hơn một nửa khoản lỗ ròng của công ty trong nửa đầu năm nay là do lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga giảm đáng kể sau khi Moscow giảm lượng cung ứng qua đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20%...

Uniper là công ty nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất tại Đức - Ảnh: Getty Images
Uniper là công ty nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất tại Đức - Ảnh: Getty Images

Tập đoàn tiện ích khổng lồ Uniper của Đức đến nay là một trong những nạn nhân đình đám nhất của cuộc khủng hoảng khí đốt châu Âu khi lỗ ròng tới 12,3 tỷ Euro (tương đương 12,5 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay. Tập đoàn này cảnh báo rằng phải tới năm 2024 mới có thể lãi trở lại.

Là công ty nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất tại Đức, Uniper tháng trước đã phải thỏa thuận một gói giải cứu trị giá 15 tỷ Euro với Chính phủ, sau khi phía Nga giảm đáng kể nguồn cung khí đốt, buộc công ty này phải mua khí đốt ở nguồn khác với giá cao hơn nhiều.

Gói cứu trợ này cho thấy sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt nhập khẩu từ Nga – chiếm khoảng 55% tổng lượng khí đốt nhập khẩu năm ngoái. Gói cứu trợ cũng cho thấy những chi phí mà nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải gánh chịu trong nỗ lực tìm nguồn cung khí đốt thay thế.

"Trong nhiều tháng, Uniper đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ổn định nguồn cung khí đốt của Đức và chịu lỗ hàng tỷ USD do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh”, CEO của Uniper, ông Klaus-Dieter Maubach, cho biết.

Tập đoàn này dự báo cả năm 2022 sẽ lỗ ròng ở mức một con số và năm 2023 sẽ đóng vai trò chuyển tiếp để có thể thoát lỗ vào năm 2024.

Ngoài nguồn tiền giải cứu từ chính phủ và các khoản vay lớn từ ngân hàng nhà nước KfW, Uniper còn được phép chuyển phần lớn chi phí từ việc phải mua khí đốt đắt hơn sang cho khách hàng từ tháng 10 tới. Việc này sẽ giúp giảm đáng kể khoản lỗ của công ty từ quý 4 trở đi.

Uniper cho biết hơn một nửa khoản lỗ ròng của công ty trong nửa đầu năm nay là do lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga giảm đáng kể sau khi Moscow giảm lượng cung ứng qua đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20%. Lý do phía Nga đưa ra cho việc này là vấn đề kỹ thuật của thiết bị, trong khi Đức nói đây chỉ là “cái cớ”.

Khoản lỗ của tập đoàn này cũng bao gồm khoản thiệt hại 2,7 tỷ Euro liên quan đến việc dự án đường ống Nord Stream 2 bị đình chỉ, dự án mà Uniper giữ vai trò đầu tư tài chính.

“Nhiệm vụ cấp bách nhất của Uniper giờ đây là tìm nguồn cung khí đốt thay thế”, nhà phân tích Allegra Dawes của Third Bridge, nhận xét.

Uniper dự kiến sẽ bắt đầu nhận được khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua cảng Wilhelmshaven trên Biển Bắc trong nửa đầu năm 2023.

Nằm trong gói cứu trợ dành cho Uniper, Chính phủ Đức sẽ mua 30% cổ phần tập đoàn này và cam kết hạn mức tín dụng 9 tỷ Euro qua ngân hàng KfW, trong đó 5 tỷ Euro đã được giải ngân.

"Gói cứu trợ sẽ ngăn chặn phản ứng dây chuyền có thể gây ra những thiệt hại lớn hơn. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là nhanh chóng triển khai gói bình ổn này”, ông Maubach phát biểu.

Uniper dự kiến thông qua gói cứu trợ tại cuộc họp đại hội đồng bất thường vào mùa thu này.

Dòng chảy khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu đã giảm mạnh kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra cách đây 6 tháng. Giá khí đốt ở châu Âu vì vậy đã tăng mạnh, đẩy khu vực này vào một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ.

Ngày 16/8, hãng khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga cảnh báo giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng chóng mặt. Tập đoàn này cho biết giá khí đốt giao ngay tại châu Âu đã đạt 2.500 USD/1.000 mét khối. Theo ước tính thận trọng, nếu xu hướng này duy trì, giá sẽ vượt 4.000 USD/1.000 mét khối trong mùa đông này. 

Theo hãng tin Reuters, vào đầu năm nay, giá bán buôn khí đốt tại thị trường Hà Lan có lúc lập kỷ lục mọi thời đại gần 335 Euro/megawatt giờ. Phiên ngày 16/8, giá khí đốt bán buôn tại thị trường này dao động quanh ngưỡng 226 Euro/megawatt giờ, nhưng vẫn cao hơn nhiều mức 46 Euro/megawatt giờ cùng kỳ năm ngoái.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate