February 04, 2022 | 08:00 GMT+7

Lao động có kỹ năng: “Chìa khóa” để giải bài toán chuyển đổi số

Thu Hằng -

Những năm qua, nhu cầu tuyển dụng nhân sự có kỹ năng của doanh nghiệp Việt Nam không ngừng gia tăng đến từ đa ngành nghề, trong đó có các lĩnh vực sản xuất, tài chính ngân hàng và công nghệ thông tin... Các chuyên gia nhận định, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là một trong những “chìa khóa” để giúp bài toán chuyển đổi số của cả nền kinh tế có thể thành công.

Nhu cầu nhân lực có kỹ năng ngày càng tăng. Ảnh - Việt Tuấn.
Nhu cầu nhân lực có kỹ năng ngày càng tăng. Ảnh - Việt Tuấn.

Theo nhiều khảo sát của Navigos Search – đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự, cho thấy, những năm qua, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao, nhân sự có kỹ năng của doanh nghiệp tại Việt Nam không ngừng gia tăng đến từ đa ngành nghề, trong đó có các lĩnh vực sản xuất, hàng tiêu dùng - bán lẻ, tài chính ngân hàng và công nghệ thông tin... Dù chỉ chiếm khoảng 10% số lao động ở công ty hay tập đoàn, lực lượng này được xem là “át chủ bài” vì có thể đem lại 90% lợi nhuận cho doanh nghiệp.

NHU CẦU NHÂN SỰ CÓ KỸ NĂNG VẪN TĂNG BẤT CHẤP COVID-19

Tuy nhiên, tại Việt Nam, lực lượng lao động đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, chỉ khoảng 24,5%, trong khi nhân sự đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Do đó, các chuyên gia nhận định, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là một trong những “chìa khóa” để giúp bài toán chuyển đổi số của cả nền kinh tế có thể thành công.

Navigos Search đánh giá, trong năm 2021, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao vẫn tiếp tục tăng, chủ yếu tập trung ở mảng công nghệ, dữ liệu. Bên cạnh đó, xuất hiện nhu cầu tuyển dụng các ứng viên có kinh nghiệm tại các công ty lớn ở nước ngoài trong các ngành nghề mới như: dữ liệu (Big Data), thiết kế, marketing, chuyển đổi số.

Tuy nhiên, các ứng viên được các ngân hàng thương mại Việt Nam ưa chuộng trong mảng này lại là Việt kiều, chuyên gia nước ngoài từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hay các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và các ngân hàng Hàn Quốc vẫn tiếp tục duy trì nhu cầu tuyển dụng các ứng viên là người Nhật, người Hàn, một trong số nguyên nhân đó là do ứng viên Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, yêu cầu nhân sự có kỹ năng thể hiện rõ nhất ở nhóm ngân hàng, công nghệ thông tin, do cuộc chạy đua chuyển đổi số nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao vẫn tăng, thậm chí điều này không chỉ xảy ra ở các ngân hàng có quy mô lớn, mà còn ở cả một số công ty chứng khoán. Các vị trí phát triển ứng dụng, công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số tiếp tục có nhu cầu tăng cao.  

Tại TP.HCM, dự báo về nhu cầu nhân lực trong quý 4/2021 và đầu năm 2022 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng cho thấy, nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm đến 87,19% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó, riêng trình độ đại học trở lên chiếm 21,07%; cao đẳng chiếm 19,81%; trung cấp chiếm 26,35%; sơ cấp chiếm 19,96%. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,81% tổng nhu cầu nhân lực.

Nhu cầu lao động qua đào tạo tại TP. HCM. 
Nhu cầu lao động qua đào tạo tại TP. HCM. 

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đánh giá, dịch bệnh đã khiến thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, khiến hàng triệu lao động bị thiếu việc làm, bị cắt giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong trạng thái bình thường mới, nếu các ngành có công nghệ mới, năng suất lao động cao phục hồi và phát triển mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế không những nhanh chóng thoát khỏi suy thoái, mà còn tăng trưởng theo chiều sâu.

Khi nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng, trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm, thị trường lao động và việc làm sẽ ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp, lương thấp và kỹ năng cao, lương cao. “Điều này không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp, mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu họ không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số”, ông Trương Anh Dũng nhìn nhận.

Trong bối cảnh đó, ông Trương Anh Dũng cho rằng, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực, thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên thị trường lao động và lao động Việt Nam sẽ không phải là ngoại lệ. Mặt khác, do tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức rất cao nên sẽ chịu tác động nặng nề hơn trong xu thế tự động hóa và toàn cầu hóa sản xuất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0).

KỸ NĂNG LAO ĐỘNG LÀ ĐỘNG LỰC NÂNG CẤP NỀN KINH TẾ 

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong Công nghiệp 4.0 cho thấy, có tới 53% doanh nghiệp Việt Nam không dự báo được kỹ năng tương lai cần thiết cho lực lượng lao động của mình. Công nghiệp 4.0 sẽ tác động lớn đến người lao động Việt Nam trong 10-15 năm tới, đặt ra yêu cầu người lao động phải có kỹ năng nghề cao, do hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam năm 2020 là 64,5% và tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ở Việt Nam chỉ 24,5%, bằng 1/3 các nước và các nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.

Theo ông Trương Anh Dũng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75% trong tổng lực lượng lao động, trong đó 40% có bằng cấp, chứng chỉ. Vì vậy, nếu không đáp ứng yêu cầu kỹ năng cao, lao động Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro mất việc làm và bất ổn về an sinh xã hội, nhất là dưới tác động bởi ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa… sẽ ảnh hưởng nặng nề đến những ngành nghề liên quan đến lao động giản đơn, thâm dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, lắp ráp, thủ công, trong khi lao động các ngành này đang chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay với khoảng 68%.

Về dài hạn, để chuẩn bị lực lượng lao động có kỹ năng nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó đặt mục tiêu phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Chiến lược cũng phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.

Cũng theo ông Dũng, trong đào tạo nhân lực cần nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Cũng cho rằng, Công nghiệp 4.0 sẽ làm nhu cầu về lao động có kỹ năng tăng cao hơn, bà Nguyễn Hồng Hà, Đại diện lâm thời, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, thừa nhận nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất xa lạ với thực tiễn này. “Phần đông doanh nghiệp Việt Nam cũng như ở các nước đang phát triển là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, nhiều doanh nghiệp đang cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, công nghệ đơn giản, kỹ năng tay nghề thấp và tiền lương thấp thay vì chất lượng cao, giá trị gia tăng và tay nghề cao để có thể có công việc tốt hơn với mức lương cao hơn”, bà Nguyễn Hồng Hà đánh giá.

Vì lẽ đó, theo bà Nguyễn Hồng Hà, quá trình chuyển đổi của Công nghiệp 4.0 sẽ cần mang tính bao trùm hơn, nghĩa là không chỉ tập trung vào lợi ích cho những công ty, tập đoàn lớn, mà cần lấy con người làm trung tâm, hỗ trợ tạo việc làm thỏa đáng và triển vọng nghề nghiệp cho người lao động.

“Vấn đề phát triển kỹ năng cho người lao động phải được đưa ra thảo luận gắn liền với nội dung quá trình hiện đại và nâng cấp nền kinh tế. Hiện nay, nếu nhìn vào số liệu của thị trường lao động, lao động có kỹ năng cao của Việt Nam thấp hơn trung bình của ASEAN. Trong khi báo cáo của ILO cho thấy, Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu tác động lớn nhất của tự động hóa”, bà Nguyễn Hồng Hà phân tích.

Chuyên gia ILO cũng nêu quan điểm, cần nhìn nhận kỹ năng như một động lực để nâng cấp nền kinh tế và là thành tố then chốt để các ngành kinh tế có thể đạt được mục tiêu. Để làm được điều này, sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học với doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng; đồng thời, vai trò của các bên liên quan trong giáo dục đào tạo, đặc biệt từ doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và từ Chính phủ cần thể hiện rõ hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate