Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin kết quả triển khai Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động tính đến ngày 26/8.
Theo đó, đến ngày 26/8, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận danh sách cho 490.382 lao động của 23.347 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 62/63 tỉnh, thành phố.
Trong đó gồm, 351.863 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 21.453 đơn vị; 41.999 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 1.058 đơn vị.
895 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 05 đơn vị; 42.618 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 517 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc.
Ngoài ra, có 34.884 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động) của 164 đơn vị.
Có 18.123 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 150 đơn vị.
Đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, cơ quan bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 332 đơn vị với 57.491 lao động, với số tiền 395,3 tỷ đồng tại 43/63 tỉnh, thành phố.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hầu hết các hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp, người lao động chuyển đến cơ quan bảo hiểm xã hội qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hay Cổng Dịch vụ công của ngành đều được tiếp nhận, xử lý ngay, không để doanh nghiệp và người lao động phải chờ đợi, nhất là không phát sinh thêm thủ tục hành chính nào.
Đến nay, cơ bản quá trình thực hiện của toàn ngành không có gì vướng mắc, tất cả đều được triển khai tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người lao động đang gặp khó khăn do Covid-19.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, thời gian này cần chú trọng xây dựng và thực thi các nhóm chính sách theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong phòng chống dịch. Giai đoạn sau khi đã ngăn chặn được dịch, sẽ tập trung vào các chính sách nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Chẳng hạn, khi dịch đang diễn biến phức tạp, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ kinh phí ăn, ở để doanh nghiệp và người lao động cùng thực hiện “3 tại chỗ”. Trong thời gian này, khi công tác chống dịch đang là ưu tiên hàng đầu, hiện mới chỉ có một số ít doanh nghiệp làm thủ tục để nhận chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm.
Liên quan đến các vướng mắc cần tháo gỡ trong triển khai chính sách hỗ trợ, mới đây tại cuộc họp về triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ sẽ nhanh chóng tổng hợp và xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ đạo thực hiện.
Thời gian tới, Bộ cũng sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tình hình, đôn đốc thực hiện tại các địa phương.