Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2021, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Điều này đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các khu vực, đặc biệt các quốc gia và vùng lãnh thổ trọng điểm tiếp nhận lao động cũng như tình hình biến chủng mới của virus SAR-CoV-2 lây lan mạnh, làm bùng phát dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành trong nước.
Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2021 là 45.058 lao động (15.177 nữ), đạt 50,06% kế hoạch được giao năm 2021 (90.000 lao động), bằng 57,29% so với số lượng lao động xuất cảnh của năm 2020 (78.641 lao động).
Trong đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) là 19.531 lao động (6.487 nữ); Nhật Bản 19.510 lao động (8.335 nữ); Hàn Quốc 1.036 lao động (6 nữ); Trung Quốc 1.820 lao động; Rumani 795 lao động (131 nữ); Singapore 713 lao động nam; Hungary 465 lao động (114 nữ); Serbia 304 lao động nam…
Về công tác đàm phán, ký kết và triển khai các Thỏa thuận quốc tế, năm 2021 Việt Nam đã ký gia hạn Bản Ghi nhớ về việc đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS); hoàn thiện hồ sơ, thống nhất nội dung gia hạn Bản Ghi nhớ giữa Việt Nam và Malaysia về tuyển dụng lao động.
Đồng thời, báo cáo Chính phủ thành lập đoàn và khởi động đàm phán Hiệp định giữa Việt Nam và Israel về tuyển dụng người lao động Việt Nam làm việc có thời hạn tại Israel; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan…
Trong năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; hoàn thiện, thúc đẩy ký kết các Thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu ổn định thị trường lao động ngoài nước, nhất là các thị trường lao động truyền thống; từng bước mở rộng đối với những thị trường mới, thị trường tiềm năng như Châu Âu, Australia, Israel.
Ở trong nước, tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.