Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 130.640 lao động (41.039 lao động nữ), đạt 104 % kế hoạch năm 2024.
Như vậy, với kết quả này, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dù mới qua 10 tháng song đã vượt mục tiêu. Năm 2024, dự kiến đưa từ 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Dẫn đầu trong số các thị trường tiếp nhận vẫn là Nhật Bản với 62.722 lao động (25.850 lao động nữ), theo sau là Đài Loan (Trung Quốc) với 48.533 người (13.034 lao động nữ), Hàn Quốc 10.877 người (1.118 lao động nữ), Trung Quốc 1.920 lao động (5 nữ), Singapore 1.774 người, Rumani 824 lao động (82 lao động nữ) và các thị trường khác.
Việc “về đích” sớm trong kế hoạch đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của năm 2024 do các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục được duy trì ổn định và tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam. Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản là hai thị trường luân phiên tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất.
Trong giai đoạn 2017 – 2023, Nhật Bản có 5 năm ở vị trí số 1 về tiếp nhận lao động Việt Nam. Tính đến tháng 6 năm nay, số lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản đã vượt hơn 600.000 người.
Đây cũng là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại nước này. Riêng năm 2023, khoảng 80.000 người Việt Nam đã sang Nhật Bản làm việc, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số nước phái cử lao động tại quốc gia này.
Người lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, như cơ khí, may mặc, giày da, lắp ráp điện tử, số này chiếm đến 80%; còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ…
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang thúc đẩy phát triển một số thị trường mới tiềm năng, tạo cơ hội mới cho người lao động khi lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài.
Để đảm bảo chất lượng lao động đưa đi, công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn.
Công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được tăng cường.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm gắn với thu nhập cao cho người lao động.
Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.