Báo cáo của nhiều cơ quan, tổ chức gần đây cho thấy thực trạng sử dụng
lao động trẻ em đã lên đến mức báo động.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2008, cả nước có 26.027 trẻ em phải tham gia vào các hình thức lao động. Nếu thống kê từ năm 2006 thì đã có khoảng 930.000 lao động trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế.
Một báo cáo chi tiết về tình trạng sử dụng lao động trẻ em được khảo sát tại 8 tỉnh, thành và 3 làng nghề vừa được Viện Khoa học lao động và xã hội công bố cũng đã khiến nhiều người phải giật mình.
Kết quả khảo sát cho thấy gần 45% trẻ em phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo về nhiệt độ, ánh sáng; gần 40% phải làm việc trong môi trường có nồng độ bụi cao ảnh hưởng đến sức khoẻ và trên 27% bị ảnh hưởng của hoá chất độc, ô nhiễm không khí, hơi, khí độc hại nơi làm việc.
Theo báo cáo này, lao động trẻ em thường ở độ tuổi từ 10-14 tuổi, chiếm 72,6% tổng số trẻ em đang tham gia lao động được khảo sát. Tiếp đến là nhóm tuổi từ 15-17 tuổi (chiếm 17%) và nhóm 6-9 tuổi (chiếm khoảng 10%).
Khảo sát cũng cho thấy lao động trẻ em đang làm việc chiếm tỷ trọng cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và thấp nhất là trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Thời gian làm việc bình quân theo ngày của lao động trẻ em phổ biến ở mức từ 4-5 giờ. Nhóm lao động trẻ em làm thuê có thời gian làm việc trong ngày nhiều nhất trong số lao động trẻ em với thời gian làm việc trên 6 giờ/ ngày, thậm chí tại những cơ sở may, chế biến thực phẩm vào mùa vụ sản xuất có thể làm việc tới 8-9 hoặc 10-12 giờ/ ngày.
Tại tám tỉnh, thành được nghiên cứu, trẻ em lao động tập trung nhiều trong một số công việc điển hình như đi biển ở Quảng Ninh, khai thác đá ở Hà Tĩnh, chế biến cá bò ở Quảng Nam, khai thác mủ cao su ở Gia Lai, làm việc trong các lò gạch ngói ở An Giang, làm việc nhiều giờ trong điều kiện làm việc tồi tàn tại các xưởng may tư nhân, sản xuất chế biến tư nhân tại Hà Nội, Tp.HCM.
Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ em phải đi làm là do cuộc sống khó khăn, điều kiện sống nghèo nàn và nhận thức của bố mẹ hạn chế, không ý thức được tác hại của việc trẻ em phải làm việc quá sức.
Mục tiêu của các quốc gia thành viên Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đặt ra là xóa bỏ hoàn toàn các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất vào năm 2016. Nhiều khuyến nghị, giải pháp cũng đã được các cơ quan quản lý, nhóm nghiên cứu đưa ra bao gồm tăng cường thanh tra việc sử dụng lao động trẻ em, có chế tài mạnh với những chủ sử dụng trẻ em vào các điều kiện độc hại nguy hiểm, thậm chí là truy tố hình sự.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này thì chỉ có thể hạn chế việc sử dụng lao động trẻ em chứ rất khó để xóa bỏ, đặc biệt là đối với hoàn cảnh của Việt Nam.
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Công Hiệu, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông thuộc Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, không ai muốn trẻ em phải đi làm việc cả, nhưng nhiều gia đình nghèo trông chờ vào khoản đóng góp trẻ kiếm được cho ngân sách gia đình, và thực tế nó cũng giải quyết phần nào điều kiện sống của gia đình các em.
"Trong bối cảnh tỷ lệ các hộ gia đình đói nghèo thực sự còn cao, các dịch vụ xã hội chưa phát triển thì chúng ta chỉ có thể nói đến từ hạn chế, không để các em phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, môi trường độc hại chứ không thể xóa bỏ hoàn toàn", ông nói.
Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Nguyễn Hải Hữu cũng thừa nhận, hiện số lượng các vụ lao động trẻ em được giải quyết hàng năm rất hạn chế. Không phải tất cả các em phải lao động trước tuổi đều nhận được sự bảo trợ của xã hội.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate