Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vừa thông tin tới các doanh nghiệp một số chính sách, quy định mới liên quan đến hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Malaysia.
Theo đó, một số quy định mới trong Bản Ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia gồm: Trách nhiệm của các bên (gồm người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan tuyển dụng Malaysia và cơ quan tuyển dụng Việt Nam); mẫu hợp đồng lao động dùng để người lao động và người sử dụng lao động ký kết.
Cụ thể, về trách nhiệm của các bên, người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động và tất cả các khoản thanh toán khác theo thỏa thuận trong các điều khoản và điều kiện của hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động trả lương hàng tháng chậm nhất là ngày thứ bảy sau ngày cuối cùng của kỳ lương.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu quy định liên quan đến việc tuyển dụng, việc làm và hồi hương của người lao động.
Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm các khoản thanh toán như: Tiền ký quỹ theo yêu cầu của Sở Di trú Malaysia; phí xử lý hồ sơ; giấy phép làm việc; bảo hiểm theo Chương trình thương tật do việc làm theo Đạo luật an sinh xã hội cho người lao động 1969 hoặc bất kỳ chương trình bảo hiểm nào khác có thể được yêu cầu cho người lao động theo quy định của Chính phủ Malaysia.
Ngoài ra là các khoản thanh toán về khám sức khỏe tại Malaysia; sàng lọc an ninh; thị thực nhập cảnh một lần; vé máy bay khứ hồi; phí dịch vụ tuyển dụng bằng 50% của một tháng lương tối thiểu của một người lao động.
Người sử dụng lao động cũng có thể tạm ứng tiền lương, phụ cấp và các quyền lợi khác cho người lao động theo thỏa thuận giữa họ; được phép khấu trừ số tiền tạm ứng đó từ người lao động, tuy nhiên khoản khấu trừ đó không được vượt quá 50% tiền lương hàng tháng của người lao động.
Người sử dụng lao động sẽ gia hạn giấy phép làm việc 3 tháng trước ngày hết hạn của giấy phép.
Chi phí hồi hương của người lao động từ nơi làm việc về nơi xuất cảnh ban đầu tại Việt Nam do người sử dụng lao động chịu trong các trường hợp như: Khi hoàn thành hợp đồng lao động; người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng làm việc ngoài lý do người lao động không tuân thủ các điều khoản và điều kiện của hợp đồng…
Về phía người lao động có trách nhiệm thanh toán bất kỳ khoản phí nào theo luật, quy tắc và quy định có liên quan tại Malaysia; chịu mọi chi phí phát sinh tại Việt Nam; chi phí đã được phê duyệt liên quan đến chỗ ở do người sử dụng lao động cung cấp.
Người lao động phải tuân thủ tất cả các luật, quy tắc, quy định, chính sách quốc gia và chỉ thị của Malaysia và tôn trọng văn hóa, truyền thống, phong tục của Malaysia trong thời gian ở nước này.
Liên quan đến chính sách tiền lương, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo quy định mới của Malaysia, lương tối thiểu của lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia tăng lên 1500RM/tháng từ ngày 1/5/2022.
Bộ Ngoại giao Malaysia cũng chỉ định danh sách 3 bệnh viện cho lao động khám sức khỏe trước khi xuất cảnh là: Bệnh viện đa khoa Thăng Long tại Hà Nội; Bệnh viện đa khoa Cửa Đông tại Nghệ An; Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh tại TP. HCM.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 8.000 người lao động Việt Nam đang làm việc hợp pháp tại Malaysia, tập trung phần lớn trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, số còn lại trong lĩnh vực dịch vụ (phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, khu giải trí, sòng bạc, bán hàng tại các cửa hàng, siêu thị), giúp việc gia đình, nông nghiệp.