September 13, 2018 | 06:56 GMT+7

Lập đỉnh cao, cổ phiếu TGG liên tục "đổ sàn"

Minh Minh

Cổ phiếu TGG của Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Trường Giang liên tục "đổ sàn" trong thời gian gần đây

Ông Lê Xuân Nghĩa là cổ đông lớn của Trường Giang.
Ông Lê Xuân Nghĩa là cổ đông lớn của Trường Giang.

Theo thống kê, từ ngày 30/8/2018, TGG liên tục giảm với biên độ mạnh, trong đó có tới 5 phiên giảm kịch sàn. Từ mức 28.300 đồng/cổ phiếu, TGG rơi xuống 18.000 đồng/cổ phiếu (phiên 11/9) chỉ trong 8 phiên giao dịch, tương ứng mất giá 36%. 

Cổ phiếu mất giá, khối lượng giao dịch của TGG chỉ vỏn vẹn vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị. Vốn hoá của TGG giảm xuống 491 tỷ đồng, giảm 280 tỷ đồng so với cuối tháng 8.

Trước đó, cổ phiếu này từng tạo đỉnh khi đạt giá 30.700 đồng/cổ phiếu. Nếu tính từ vùng đỉnh này đến nay, TGG đã mất giá khoảng 40%.

TGG là một cổ phiếu mới lên sàn chứng khoản ngày 25/5/2018 với giá tham chiếu 12.200 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi lên sàn, TGG đã có sự "thăng hoa", tăng giá liên tục. Do đó, việc TGG giảm sốc trong thời gian gần đây khiến không ít các nhà đầu tư bất ngờ.

Nguyên nhân giảm sàn được cho là do công ty có kế hoạch phát hành thêm tới 25 triệu cổ phiếu mới cho không quá 100 nhà đầu tư và hạn chế chuyển nhượng trong một năm. Mục đích của đợt phát hành là đầu tư vào Khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời - Suối Tiên trị giá 800 - 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn chủ trương đầu tư Khu dân cư cao cấp Gành Gió (Kiên Giang) lên tới 1.620 tỷ đồng.

Công ty cũng cho biết hiện nay đang thực dự án đầu tư "Trang trại chăn nuôi lơn theo hướng công nghiệp" với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu gần 218 tỷ đồng.

Nhiều dự án lớn song kinh doanh của TGG không mấy sáng sủa. 6 tháng đầu  năm 2018, TGG chỉ đạt doanh thu 50 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ 2 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới hoàn thành được 15% kế hoạch lợi nhuận năm 2018. Tổng tài sản của TGG tính đến giữa năm 2018 chỉ đạt 298 tỷ đồng.

Dù mới thành lập, Trường Giang có quá trình phát triển khá "thần tốc", vốn tăng khá nhanh. Năm 2012, công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, chủ yếu tập trung làm các dự án xây dựng như đường Chi Lăng kéo dài qua Tp. Hoà Bình, Trung tâm thương mại dịch vụ Tổng hợp Sông Đà, Chung cư cao cấp SME Hoàng Gia…

Trường Giang có mối quan hệ khá mật thiết với Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP - nơi ông Lê Xuân Nghĩa đang nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và cũng là cổ đông lớn nhất.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu NHP đang sở hữu 19,23% TGG, Công ty Cổ phần Đầu tư NHP sở hữu 16,54%. Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Xuân Nghĩa nắm 10%. Ông Nguyễn Cảnh Dinh, thành viên Hội đồng Quản trị của Xuất nhập khẩu NHP cũng là Phó chủ tịch của Trường Giang cũng nắm 6,85% vốn.

Năm 2017, Trường Giang có doanh thu khoảng 101,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 14,3 tỷ. Tổng tài sản của doanh nghiệp đạt trên 304 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate