Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành Quyết định 1285 kế hoạch thanh tra năm 2022.
Theo đó, đối với việc thanh tra chuyên ngành, Bộ sẽ thực hiện thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do Bộ (ngành), tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư và công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng tại các tỉnh, thành phố.
Cụ thể, trong năm 2022 sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại Ban quản lý dự án Thăng Long Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam.
Đồng thời thanh tra công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch; hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản tại UBND 3 tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Hậu Giang.
Bộ Xây dựng cũng sẽ thực hiện thanh tra 2 chuyên đề diện rộng đối với 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An.
Chuyên đề thứ nhất về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn. Đối tượng thanh tra là chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chuyên đề thứ hai là thanh tra về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị ở 11 tỉnh, thành trên. Đối tượng thanh tra là UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Bộ Xây dựng, việc thanh tra, rà soát lại toàn bộ quỹ đất để xây nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị… theo quy định của pháp luật là cấp thiết. Vì một trong những nguyên nhân khiến việc phát triển nhà ở xã hội gặp khó khăn chính là vấn đề quỹ đất. Do đó, kế hoạch thanh tra năm 2022 về vấn đề này sẽ góp một phần giải bài toán này.
Việc rà soát có thể giúp nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa qua sử dụng, từ đó có phương án hợp lý để hoạch định chính sách trong tương lai. Đồng thời chấn chỉnh hoạt động của những doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch ban đầu, đi chệch hướng so với chủ trương nhân văn của Chính phủ, cũng như Bộ Xây dựng.
Còn với vấn đề quỹ bảo trì chung cư, hiện nay, nhiều chung cư trên địa bàn các thành phố lớn xảy ra tình trạng tranh chấp phí bảo trì, quyền quản lý, vận hành quỹ bảo trì. Đã âm ỉ từ lâu, thậm chí, các bên liên quan đã phải đưa nhau ra tòa khi không có được tiếng nói chung.
Cụ thể, khi mua các căn hộ chung cư hiện nay, theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, người mua chung cư sẽ phải đóng thêm 2% giá trị hợp đồng mua căn hộ để làm quỹ bảo trì chung cư. Sau khi chung cư đã đi vào hoạt động và các cư dân sẽ bầu ra ban quản trị và chủ đầu tư có nghĩa vụ sẽ phải bàn giao toàn bộ số tiền này cho ban quản trị để bảo trì các hạng mục hư hỏng của tòa nhà khi đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, nhiều nơi các chủ đầu tư đang cố tình gây khó khăn, chây ỳ, kéo dài thời gian trì hoãn việc bàn giao khoản tiền này dẫn đến việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài mà không giải quyết được dứt điểm được vấn đề. Vì vậy việc thanh tra là vô cùng cần thiết nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm