Ngày 5/7, TAND TP Hà Nội xử phạt Bùi Đức Thọ (SN 1992, ở phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) mức án 12 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, năm 2017, Thọ có thời gian làm cộng tác tại Ngân hàng V. từ tháng 7-8/2017 và biết rõ quy trình, thủ tục mở thẻ tín dụng với khách hàng cá nhân.
Sau khi nghỉ việc, do cần tiền chi tiêu cá nhân, lợi dụng sở hở của ngân hàng trong quy trình mở thẻ tín dụng, Thọ nảy sinh ý định lập khống hồ sơ mở thẻ để chiếm đoạt tiền.
Với thủ đoạn này, từ năm 2017-2019, Thọ lập khống 34 hồ sơ mở thẻ tín dụng.
Theo đó, khoảng cuối năm 2017, Thọ đến khu vực dân cự và các trạm y tế xã, trường tiểu học thuộc địa phận huyện Kim Bôi, Hòa Bình, tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng để thực hiện chương trình ưu đãi mở thẻ tín dụng cho người dân tộc miền núi và cán bộ ngành y tế, giáo dục. Mục đích nhằm thu thập thông tin cá nhân, sổ hộ khẩu, CMND của những người có nhu cầu mở thẻ tín dụng.
Sau khi có thông tin, để hoàn thiện hồ sơ, Thọ soạn thảo Bảng xác nhận đơn vị công tác và thu nhập lương mang tên những người dân lao động tự do, rồi đến các trường học, trạm y tế xã thuộc huyện Kim Bôi, Hòa Bình, gặp lãnh đạo các đơn vị trên để xin ký xác nhận.
Do tin tưởng Thọ tạo điều kiện cho các cá nhân được vay vốn làm ăn, lãnh đạo một số trạm y tế, trường học đã ký, đóng dấu vào các bảng xác nhận trên.
Có được chữ ký, Thọ lập hồ sơ mở thẻ tín dụng rồi chuyển cho các cộng tác viên kênh bán hàng của ngân hàng. Do tin tưởng Thọ từng làm cộng tác viên và do cần chỉ tiêu công tác nên những người này chỉ đối chiếu thông tin mà không tiến hành kiểm tra, xác minh nơi công tác.
Khi thấy hồ sơ có đủ điều kiện mở thẻ, cộng tác viên đã chuyển tiếp hồ sơ lên hệ thống để trình lãnh đạo các cấp thẩm định, phê duyệt, phát hành thẻ tín dụng.
Khi phát hành thẻ, ngân hàng đã thông báo địa điểm giao thẻ vào số điện thoại đăng ký trong hồ sơ. Tuy nhiên, các số điện thoại này đã được Thọ chủ động đăng ký, ghi trong hồ sơ. Do đó, Thọ đã đến các đại bưu điện nhận thẻ, kích hoạt thẻ và chiếm đoạt tiền trong thẻ để sử dụng cá nhân.
Nhằm tránh sự phát hiện của ngân hàng, sau khi kích hoạt thẻ, Thọ rút tiền mặt tại các địa điểm, cửa hàng có máy quẹt thẻ thanh toán tự động (POS) hoặc mua hàng hóa tại các trung tâm thương mại thanh toán bằng thẻ.
Bên cạnh đó, Thọ cũng trả lãi cho một số thẻ để tránh bị phát hiện. Để đáo hạn các thẻ tín dụng trên, Thọ thông qua dịch vụ đáo hạn nợ với chi phí 1,7% số tiền chuyển vào thẻ.
Tổng số tiền Thọ đã chiếm đoạt của ngân hàng là hơn 1,8 tỷ đồng. Ngân hàng đã phát hiện hành vi phạm tội và gửi đơn tố cáo Thọ đến cơ quan công an.
Trong số 34 cá nhân đứng tên chủ thẻ, phần lớn không phải là cán bộ công tác tại trạm y tế hoặc trường học. Có 7 người không xác định được nhân thân, 1 người đã mất từ trước. Những cá nhân đứng tên chủ thẻ cho biết, họ đã cung cấp bản photo hoặc cho Thọ chụp lại CMND, sổ hộ khẩu để làm thẻ. Nhưng sau một thời gian, Thọ thông báo không mở được thẻ vì không đủ điều kiện. Họ không biết việc làm khống hồ sơ của bị cáo, không được sở hữu, sử dụng thẻ.
Quá trình điều tra, Thọ khai nhận không trao đổi, bàn bạc hành vi phạm tội với ai. Thọ khai nhận, hàng tháng nộp khoản tiền nhỏ vào tài khoản các thẻ trên để duy trì hạn mức tối thiểu và thuê người làm dịch vụ đáo hạn thẻ để tránh ngân hàng phát hiện. Đến khi không còn khả năng thanh toán, bị cáo đã phi tang toàn bộ số thẻ trên vào thùng rác.
Đối với một số cán bộ ký xác nhận, cơ quan công an xác định họ không biết động cơ, mục đích, thủ đoạn làm giả nội dung bảng xác nhận của Thọ để chiếm đoạt tiền ngân hàng. Xét về động cơ vi phạm, công an thấy chưa đến mức xử lý hình sự mà có văn bản kiến nghị Trung tâm y tế, Phòng giáo dục và đào tạo huyện Kim Bôi, Hòa Bình có hình thức xử lý hành chính.
Tương tự, đối với một số cán bộ ngân hàng và bên làm thủ tục đáo hạn thẻ không biết việc Thọ làm giả hồ sơ nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.