Ngày 05/01/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo trực tuyến với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để trao đổi về các nội dung tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình hình mới, Quốc hội đã đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Đất đai của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, chuẩn bị nội dung dự thảo Luật Đất đai. Trước đó, ngày 3/12/2021, Bộ đã gửi Dự thảo Luật và Tờ trình để lấy ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương.
Các ý kiến cũng thảo luận về bố cục; một số định hướng dự kiến sửa đổi cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); những nội dung khác chưa được đề cập đến trong dự thảo Luật nhưng đã phát sinh trên thực tiễn hoặc những chính sách cần phải tính đến để Luật Đất đai có được tầm nhìn dài hạn….
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật Đất đai; những bài học kinh nghiệm và các giải pháp cụ thể để khắc phục, đặc biệt là các giải pháp chính sách đột phá cần phải có để quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên, tài sản đất đai.
Ngoài ra, các ý kiến cũng thảo luận về bố cục của dự thảo Luật; một số định hướng dự kiến sửa đổi cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); những nội dung khác chưa được đề cập đến trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng đã phát sinh trên thực tiễn hoặc những chính sách cần phải tính đến để Luật Đất đai có được tầm nhìn dài hạn….
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu. Đây là những ý kiến toàn diện, sâu sắc, đóng góp vào công tác quản lý nhà nước về đất đai. Bộ hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp bằng văn bản để có cơ sở, luận cứ, góp phần sửa đổi Luật Đất đai được toàn diện, đầy đủ hơn. Ông Ngân đề nghị Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nghiêm túc tiếp thu, phân tích và tổng hợp để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai..
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương và hội thảo chuyên đề, nhằm đảm bảo có sự thống nhất cao, khách quan, để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội đảm bảo đúng tiến độ.
Quá trình tổng kết Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, sau hơn 7 năm tổ chức thi hành, công tác quản lý và sử dụng đất đã đạt được những kết quả quan trọng. Quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường và có hiệu lực, hiệu quả cao hơn. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển tương đối nhanh; thể chế, chính sách cho phát triển thị trường từng bước được hoàn thiện. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được bảo đảm và phát huy.
Đặc biệt, nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi với khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội và an ninh lương thực quốc gia,…Nhiều vụ việc tham nhũng, vi phạm chính sách, pháp luật đất đai được xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể.
Ngoài ra, có lúc, có nơi chưa thực sự đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư khi thực hiện chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chính sách tài chính đất đai, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất thu hồi, gây khiếu nại, khiếu kiện và ảnh hưởng đến ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chính sách, pháp luật còn hạn chế, bất cập, cần thiết phải được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế.