Dự thảo quy định rõ về việc cấp văn bằng, chứng chỉ trong liên kết giáo dục với nước ngoài.
LÀM RÕ VIỆC CẤP VĂN BẰNG, CHỨNG CHỈ TRONG LIÊN KẾT GIÁO DỤC VỚI NƯỚC NGOÀI
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, xuất phát từ thực tế triển khai thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình tích hợp tại Việt Nam mà đặc biệt là tại Hà Nội, dự thảo Nghị định hướng tới quy định rõ hơn việc khi thực hiện liên kết giáo dục với nước ngoài, hai bên cần có ràng buộc về kiểm tra đánh giá để học sinh được tham gia thi lấy văn bằng và chứng chỉ của nước ngoài nhưng có thể được chuyển tiếp sang các cơ sở giáo dục khác ở Việt Nam và đặc biệt được chuyển ngang sang học ở các cơ sở giáo dục nước ngoài đang thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục của Việt Nam hoặc một cơ sở giáo dục khác ở nước ngoài.
Để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, kết quả phải được cả hai bên công nhận và phải có phương án công nhận văn bằng tương đương.
Vì những lý do nêu trên, để thuận tiện cho việc công nhận văn bằng cho học sinh theo học chương trình giáo dục tích hợp, dự thảo Nghị định quy định, văn bằng của nước ngoài cấp theo Nghị định này được công nhận sử dụng tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng (áp dụng theo quy định về việc miễn thủ tục công nhận văn bằng trong Quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Bên cạnh đó, do việc cấp văn bằng chứng chỉ của chương trình giáo dục của nước ngoài ở mỗi quốc gia khác nhau, dự thảo Nghị định quy định làm rõ thêm thêm văn bằng của nước ngoài bao gồm cả chứng chỉ/giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục.
Cụ thể, dự thảo nêu: "Người học hoàn thành Chương trình giáo dục tích hợp cấp trung học phổ thông được cấp văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam và văn bằng (bao gồm cả chứng chỉ/giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục) của nước ngoài".
Mẫu văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mẫu văn bằng, chứng chỉ/chứng nhận của nước ngoài theo Đề án thực hiện liên kết giáo dục với nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục của Việt Nam có liên kết giáo dục.
Nhằm giúp học sinh được quy đổi kết quả học tập tương đương và tạo điều kiện cho học sinh có thể chuyển sang học tập tại một cơ sở giáo dục khác trong quá trình học tập, dự thảo Nghị định cũng quy định: "Trong quá trình thực hiện liên kết giáo dục, các bên liên kết có trách nhiệm đánh giá, xác nhận, báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ/giấy chứng nhận hoàn thành một phần, một số phần hoặc toàn bộ Chương trình giáo dục tích hợp cho người học có nhu cầu xác nhận để chuyển sang học ở cơ sở giáo dục khác ở trong nước hoặc nước ngoài."
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường lợi thế cũng như ghi nhận năng lực ngoại ngữ của học sinh khi tham gia học chương trình giáo dục tích hợp, dự thảo Nghị định quy định chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài sử dụng trong quá trình liên kết giáo dục phải được công nhận hợp pháp ở nước sở tại và có giá trị sử dụng phổ biến trên thế giới hoặc được công nhận tương đương với các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng nhấn mạnh nguyên tắc công khai, minh bạch của văn bằng, chứng chỉ trong liên kết giáo dục khi quy định "Cơ sở giáo dục của Việt Nam chịu trách nhiệm lập, lưu giữ hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ trong liên kết giáo dục, thực hiện việc công khai thông tin xác thực văn bằng, chứng chỉ theo quy định."
LẤY Ý KIẾN 2 VẤN ĐỀ LỚN
Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến tập trung vào 2 vấn đề.
Thứ nhất là việc bổ sung đối tượng tham gia liên kết giáo dục của nước ngoài. Theo đó, tại Điều 22 Luật Thủ đô chỉ quy định đối tượng tham gia liên kết giáo dục của nước ngoài là cơ sở giáo dục của nước ngoài. Tuy nhiên, Thành phố Hà Nội đề xuất bổ sung thêm đối tượng của nước ngoài gồm cả Tổ chức giáo dục vì lý do với hệ thống giáo dục nước ngoài, chương trình giáo dục được công nhận tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.
Việc hợp tác với tổ chức giáo dục nước ngoài để thực hiện chương trình giáo dục tích hợp sẽ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận chương trình giáo dục tiên tiến, hiện đại. Nghị định 86/2018/NĐ-CP hiện nay sửa theo hướng cho phép liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục của nước ngoài và các tổ chức giáo dục của nước ngoài (như Cambridge, IB...).
Thứ hai là điều chỉnh tên gọi của Nghị định. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi tên Nghị định thành “Nghị định của Chính phủ quy định về liên kết giáo dục với nước ngoài đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của Thành phố Hà Nội” đồng thời các nội dung thuộc tên Nghị định theo Luật giao sẽ được ghi tại khoản Phạm vi điều chỉnh.