May 12, 2022 | 12:07 GMT+7

Lễ hội Du lịch Hà Nội 2022 áp dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá điểm đến

Tường Bách -

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022 được tổ chức trong thời gian diễn ra SEA Games 31, là cơ hội vàng để giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội cùng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn tới bạn bè các nước...

Theo ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA), với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu”, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 13 - 15/5/2022 tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ và phố Đinh Tiên Hoàng. Ngoài ra, ngay sau Lễ hội Du lịch Hà Nội, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 19 - 23/5/2022 tại Khu vực vỉa hè phố Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm (đối diện đường đua F1).

Lễ hội năm nay áp dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá điểm đến du lịch, giới thiệu nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn tại Hà Nội như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích nhà tù Hỏa Lò, khu Phố cổ, khu vực Ba Vì, Hương Sơn, Sóc Sơn, Sơn Tây... Việc tổ chức triển lãm và bán các dịch vụ du lịch trên nền tảng số sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng đối tượng khách hàng.

Sự kiện năm nay cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch kết nối và phát triển thị trường, mở rộng liên doanh, liên kết, gắn kết sản phẩm của mình với các sản phẩm liên vùng. Qua đó, thu hút khách du lịch cả nước đến Hà Nội, thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Lễ hội có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô, Vietravel...

Với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu”, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022 sẽ diễn ra tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ và phố Đinh Tiên Hoàng.
Với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu”, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022 sẽ diễn ra tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ và phố Đinh Tiên Hoàng.

Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2022 có quy mô tương đương 150 gian hàng, chia làm 2 khu: không gian kích cầu du lịch trực tiếp và trực tuyến. Không gian kích cầu du lịch trực tiếp sẽ giới thiệu một số điểm đến hấp dẫn của Hà Nội, với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, các khu du lịch, các hãng hàng không và đại diện 9 tỉnh, thành phố bao gồm: Yên Bái, An Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Giang, Lai Châu, Phú Thọ.

Tại đây, khách hàng sẽ có cơ hội “săn” nhiều tour du lịch giá rẻ, nhiều chương trình khuyến mại của các hãng hàng không. Trong dịp này, các doanh nghiệp cũng công bố một số tour du lịch mới như tour khám phá làng cổ Bát Tràng, tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long...

Không gian trực tuyến sẽ là điểm nhấn khác biệt so với những lễ hội trước với việc giới thiệu và cung cấp sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp trên nền tảng số. Du khách có thể khám phá nhiều tiềm năng du lịch và các điểm đến của Hà Nội thông qua “bức tường tương tác LED” bằng cách chạm vào những biểu tượng là có thể khám phá Hà Nội trong không gian ba chiều. 

Không gian giới thiệu làng nghề - ẩm thực Hà Nội sẽ được bố trí tại khu vực nhà Bát giác, giới thiệu một số sản phẩm làng nghề truyền thống.
Không gian giới thiệu làng nghề - ẩm thực Hà Nội sẽ được bố trí tại khu vực nhà Bát giác, giới thiệu một số sản phẩm làng nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, gian hàng triển lãm online lần đầu tiên xuất hiện tại lễ hội trên nền tảng 2D, gồm các hoạt động tổ chức sự kiện, hội thảo, quảng bá, thương mại hóa… Gian hàng 2 chiều cung cấp đầy đủ thông tin như một trang web doanh nghiệp thu nhỏ bao gồm: tổng quan về doanh nghiệp, thông tin liên hệ video, thư viện hình ảnh, thông tin và hình ảnh sản phẩm. Khách tham quan có thể tìm kiếm nhanh bằng sản phẩm, tên doanh nghiệp trưng bày.

Đối với ảnh 3D 360, ban tổ chức hỗ trợ hướng dẫn miễn phí cho gian hàng cách tạo ảnh phẳng để trải nghiệm điểm đến tham quan đơn vị đang quảng bá. Ngoài ra, ban tổ chức cũng cung cấp dịch vụ tạo ảnh 360 chuyên nghiệp 3D nếu đơn vị có nhu cầu.

Trong khi đó, không gian giới thiệu làng nghề - ẩm thực Hà Nội được bố trí tại khu vực nhà Bát giác, giới thiệu một số sản phẩm làng nghề truyền thống như: sơn mài mỹ thuật, sừng mỹ nghệ Thụy Ứng, thêu tay truyền thống; các món ăn đặc trưng của Hà thành như: bánh cuốn Thanh Trì, nem Phùng, bánh tẻ Sơn Tây, bánh cốm Hàng Than, trà sen Hồ Tây... Tại đây, sẽ có các chương trình giao lưu với các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực hàng đầu về văn hóa ẩm thực Hà Nội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate