November 26, 2011 | 09:49 GMT+7

Lên lộ trình cụ thể tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

Minh Đức

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa nêu quan điểm và lộ trình chi tiết tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Quá trình trên được thực hiện theo phương châm không để tổ chức tín dụng nào đổ vỡ” - Ảnh: TTXVN.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Quá trình trên được thực hiện theo phương châm không để tổ chức tín dụng nào đổ vỡ” - Ảnh: TTXVN.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình một lần nữa nêu quan điểm và lộ trình chi tiết thực hiện tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại.

Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng 25/11, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, việc thực hiện tái cấu trúc sẽ phân nhóm hệ thống ngân hàng Việt Nam thành ba nhóm lớn.

Nhóm thứ nhất, gồm các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực, có quy mô đủ lớn để tiếp tục phát triển thành những ngân hàng làm trụ cột trong hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian tới cũng như vươn lên đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

Nhóm ngân hàng này dự kiến sau 5 năm, từ nay đến năm 2015, sẽ có khoảng 15 thành viên và sẽ phải chiếm tới khoảng 80% thị phần hoạt động của hệ thống. Trong 15 tổ chức tín dụng đó, mục tiêu là đạt được từ 1 - 2 tổ chức có tầm cỡ của khu vực và quốc tế.

Nhóm thứ hai là nhóm các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh nhưng có quy mô còn nhỏ, không có nhu cầu hoặc không có điều kiện để phát triển quy mô cao hơn nữa.

Đối với các tổ chức tín dụng loại này Ngân hàng Nhà nước sẽ có những quy định để đảm bảo quy mô hoạt động trong tầm kiểm soát phù hợp với năng lực của tổ chức tín dụng và cũng có những quy định để đảm bảo sự phân khúc của thị trường cho các tổ chức tín dụng này có thể phát huy được nhưng trên nền tảng hoạt động an toàn và hiệu quả.

Nhóm thứ ba là nhóm tổ chức tín dụng mà đang có tình hình tài chính khó khăn cần phải được tái cấu trúc lại.

Đối với nhóm các tổ chức tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông qua các biện pháp như thay đổi lại cổ đông, nâng cao năng lực của cổ đông hoặc cho các tổ chức tín dụng trong nước khác tham gia cổ đông, mua lại hoặc sáp nhập vào các tổ chức tín dụng khác.

“Quá trình trên được thực hiện theo phương châm không để tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Về lộ trình, từ nay đến quý 1/2012 phải hoàn thành xong hai nội dung. Một là định hình rõ 3 nhóm ngân hàng và giải quyết tốt những vấn đề thanh khoản của những ngân hàng yếu kém.

Từ quý 2/2012 đến hết năm 2013 sẽ hoàn thành việc tái cấu trúc lại các ngân hàng thuộc nhóm 3.

Từ năm 2013 đến năm 2015 tập trung vào việc nâng cao các hiệu quả an toàn, việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và củng cố xây dựng, đặc biệt xây dựng các nhóm ngân hàng lành mạnh để có đủ sức làm trụ cột cho hoạt động ngân hàng trong nước và phấn đấu để có thể có từ 1 - 2 ngân hàng đạt tiêu chuẩn khu vực.

Từ nay đến năm 2020 trên cơ sở nền tảng kết quả đạt được, đến năm 2015 hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục được tái cấu trúc và khi đó số lượng các tổ chức tín dụng có khả năng tham gia cạnh tranh trong khu vực có thể nâng lên đến 4 tổ chức tín dụng. Mục tiêu đến năm 2020 có từ 1 - 2 tổ chức tín dụng được đưa vào nhóm các tổ chức tín dụng lớn của khu vực Đông Nam Á.

“Những ngân hàng chúng ta đang tạm gọi là có yếu kém chỉ chiếm tới chưa đầy 5% thị phần hoạt động của ngân hàng. Do vậy, một trong các phương châm mà chúng tôi đặt ra trong quá trình tái cấu trúc là phát huy nội lực hay nói một cách khác là chúng ta lấy ngay lực lượng sẵn có trong hệ thống của chúng ta để tiến hành tái cấu trúc lại các tổ chức này. Dùng các tổ chức có quy mô lớn hơn và tình hình tài chính lớn hơn để tham gia vào việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng nhỏ hơn, bằng cách đó chúng ta tiết kiệm được các chi phí”, Thống đốc nói trước Quốc hội.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate