Trong phiên giao dịch ngày 23/2, sau khi Nga đưa xe tăng và quân đội vào Ukraine, chứng khoán Mỹ chứng kiến đợt bán tháo mạnh. Hợp đồng tương lai S&P 500 lao dốc nhưng tới khoảng 14h30 giờ ngày 24/2 (giờ New York), chỉ số S&P 500 đã phục hồi và thậm chí tăng lên mức cao hơn trước khi chiến dịch quân sự của Moscow bắt đầu. Dù vẫn biến động, tới ngày 1/3, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm so với trước cuộc tấn công.
Theo Bloomberg, đây không phải điều bất thường. Trong lịch sử, những sự kiện như chiến tranh, ám sát hay tấn công khủng bố thường không gây nhiều tác động lên các yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ.
“Những sự kiện này thường đi liền với con số ám ảnh về số người thương vong, người tị nạn… Tuy nhiên, phản ứng tức thì của thị trường với các cuộc xung đột lớn và nguy hiểm như chiến tranh ở Ukraine thường không ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu trong dài hạn”, Barry Ritholtz – người sáng lập Ritholtz Wealth Management và CEO của hãng nghiên cứu định lượng FusionIQ – nói.
Theo ông Ritholtz, những yếu tố tác động tới giá cổ phiếu gồm doanh thu và lợi nhuận, còn những sự kiện địa chính trị thông thường “chưa đủ lớn” để làm thay đổi đáng kể động lực này.
“Tác động đối với tổng sản phẩm nội địa toàn cầu cũng khá khiêm tốn, trừ một số trường hợp ngoại lệ”, ông Ritholtz, cũng là tác giả cuốn sách “Bailout Nation” (tạm dịch: Giải cứu quốc gia), nhận định.
Ryan Detrick, chiến lược gia trưởng về thị trường tại LPL Financial, đã tiến hành theo dõi 22 cú sốc phi tài chính lớn trong quá khứ kể từ sau trận chiến Trân Châu Cảng của Mỹ và Nhật năm 1941. Kết quả cho thấy, dù các sự kiện đều có tính chất khác nhau, thị trường cổ phiếu thường nhanh chóng phục hồi sau cú sốc ban đầu.
“Các sự kiện này khiến thị trường chứng khoán Mỹ bình quân giảm 1,1% một ngày. Tổng mức giảm do sự kiện địa chính trị từ khi chạm đáy tới khi phục hồi trở lại bình quân là 4,8%. Bình quân, thị trường chứng kiến khoảng 19,7 ngày sụt giảm và mất 43,2 ngày để phục hồi lại mức trước cú sốc”, ông Detrick cho biết. “Kể cả việc Mỹ tham gia Thế chiến thứ 2 sau trận Trân Châu Cảng cũng chỉ khiến thị trường mất 1,5 năm để phục hồi. Đây là cuộc chiến tranh tồi tệ nhất trong lịch sử loài người và chứng khoán Mỹ đã mất 143 ngày lao dốc và 307 ngày sau đó để phục hồi”.
Lý giải điều này, ông Ritholtz cho rằng Mỹ là một nước siêu cường tách biệt về mặt địa lý và các mối đe dọa hiện hữu với tiền tệ và thị trường chứng khoán Mỹ - trừ phi xảy ra thảm họa hạt nhân – là rất thấp.
“Các cuộc chiến tranh gây ra tác động lớn hơn tới những nước nhỏ và dễ bị tổn thương. Khi nhìn vào chiến tranh ở Ba Lan năm 1939, Afghanistan năm 2001, hay Nga năm 1906, ta sẽ thấy rằng thị trường chứng khoán, trái phiếu hoặc tiền tệ tại quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề”, vị chuyên gia phân tích.
Nói về cuộc xung đột hiện tại, ông cho biết quy mô nền kinh tế Nga tương đối nhỏ, khoảng 1.670 tỷ USD, tương đương với Canada – một quốc gia chỉ có dân số bằng 1/4 so với Nga. Trong khi đó, nền kinh tế Ukraine thậm chí còn nhỏ hơn.
Theo ông, khi chiến tranh leo thang, tác động của nó sẽ vượt ra ngoài biên giới các quốc gia đó nhưng thị trường chứng khoán Mỹ vẫn có khả năng chống chịu. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nhà đầu tư không nên chủ quan.
“Điều này không có nghĩa là nhà đầu tư nên chủ quan trước các sự kiện nghiêm trọng hoặc cho rằng không gì có thể làm tổn hại danh mục của mình. Thay vào đó, nhà đầu tư nên thận trọng hơn trước các luồng thông tin dẫn tới biến động của thị trường. Dù Phố Wall không thiếu các nhà bình luận chuyên nghiệp về đại chính trị, rất khó để giao dịch thành công dựa trên dự báo của họ. Thường bị ảnh hưởng bởi các tin tức nóng nhưng ngay sau cú chao đảo, thị trường có xu hướng phục hồi ngay, bất kể xu hướng trước đó là gì”, Ritholtz nói.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày 2/3, bất chấp giá dầu tiếp tục leo thang chóng mặt trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 1,79%, S&P 500 tăng 1,86%, còn Nasdaq tăng 1,62%. Phiên tăng này đảo ngược cú giảm của thị trường phiên 1/3.