Trong chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018, ở cấp THPT từ năm học 2022-2023 ngoài 7 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc thì học sinh được lựa chọn 5 trong số 10 môn là: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý, Hóa học, Sinh học; Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật. Như vậy môn Lịch sử cũng thuộc nhóm các môn tự chọn và học sinh lớp 10 có thể không học Lịch sử nếu không muốn.
CẢ KHI TRƯỞNG THÀNH CŨNG VẪN CẦN PHẢI HỌC
Những ngày qua vấn đề này đã gây ra xôn xao dư luận, đa phần lo ngại môn học này sẽ bị "xóa sổ". Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, không chỉ học đến cấp THCS là đã hiểu về lịch sử mà ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này, vì vậy Lịch sử nên là một môn học bắt buộc. Bác Hồ từng dạy, dân ta phải biết sử ta, việc am hiểu lịch sử sẽ khiến cho mỗi người dân thêm yêu và tự hào về truyền thống dân tộc.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm, nhiều người nói môn Lịch sử khô khan, bắt học sinh ghi nhớ hàng đống sự kiện và số liệu. Song có môn học nào không cần ghi nhớ. Toán cũng cần nhớ bảng cửu chương và hằng đẳng thức, Văn cũng cần ghi nhớ, thuộc lòng nhiều bài thơ, Hóa học hay Vật lý cũng phải nhớ nhiều công thức, thuộc từng hóa trị, bảng tuần hoàn... Vậy, Lịch sử cần nhớ ngày lập quốc, người khai quốc, nhớ những người đổ xương máu, mồ hôi, công sức để chúng ta được sống trong hòa bình, hạnh phúc cũng là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên để thu hút người học thì cần đổi mới cách dạy.
Tương tự GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, đưa ra ý kiến, Lịch sử là môn học cần thiết nên không thể coi đây là một môn phụ để tùy thích chọn hay không chọn. Nếu nói ở cấp THCS đã trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại, để đến cấp THPT môn Lịch sử trở thành môn tự chọn, thì thực ra lịch sử vẫn còn rất nhiều vấn đề. Ngay cả trong giai đoạn hướng nghiệp, học sinh cũng không chỉ học về mỗi nghề nghiệp đó mà còn cần được học về truyền thống, về tinh thần yêu nước, vượt khó vươn lên… Do đó, Lịch sử là môn học giúp trang bị cho học sinh kiến thức để vào đời.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia khác còn băn khoăn: năm 2021, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm các môn thi tốt nghiệp THPT đã thống kê được, với môn Lịch sử có 637,005 thí sinh làm bài thi, trong đó điểm trung bình là 4,97 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 4 điểm. Số thí sinh bị điểm liệt là 540 em, số thí sinh có điểm dưới trung bình là 331,429 em, chiếm tỷ lệ 52,03%. Việc điểm thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đứng ở vị trí “đội sổ” so với các môn khác phần nào phác họa thực trạng dạy và học môn Lịch sử hiện nay. Nếu tiếp tục đưa Lịch sử thành môn tự chọn, liệu có thể càng ngày sẽ càng ít học sinh lựa chọn, thậm chí loại môn học này ra khỏi chương trình giáo dục của bản thân hay không?
Qua tìm hiểu của phóng viên ở một hội nhóm trên Facebook với sự tham gia của phần lớn các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17-30, xoay quanh câu chuyện liệu có nên đưa môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn. Đại đa số các bạn trẻ đã ủng hộ ý kiến thay đổi phương pháp dạy, thi của môn Sử thay vì loại nó ra khỏi chương trình bắt buộc. Thậm chí nhiều người tỏ ra lo lắng cho tương lai của môn Lịch sử và kiến thức Lịch sử của các thế hệ mai sau khi Lịch sử là môn tự chọn. Theo các bạn trẻ, càng thế hệ sau càng phải hiểu rõ sự quan trọng của bộ môn Lịch sử đối với nước nhà.
VẪN ĐÁP ỨNG VAI TRÒ GIÁO DỤC LỊCH SỬ CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có sự lý giải việc lịch sử là môn tự chọn. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, chương trình GDPT 2018 có sự sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho từng môn học, kể cả môn Lịch sử. Cụ thể ở cấp học THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến lớp 9. Nội dung môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn này, tất cả học sinh cấp THCS đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.
Còn THPT-giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT với những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS. Ở giai đoạn THPT học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh chọn tổ hợp xã hội là đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội, trong đó có môn Lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân, hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn).
Ngoài ra chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng dành 20% thời lượng cho chương trình địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến lớp 12.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, với cách bố trí như vậy, môn Lịch sử bảo đảm đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.
Được biết cuối năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, chia làm hai giai đoạn gồm Giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 và Giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12. Chương trình này triển khai từ năm học 2022-2023, sẽ thay thế chương trình hiện hành đã áp dụng từ 2006. Ở chương trình hiện hành, học sinh phải học 17 môn và hoạt động giáo dục (tính cả môn tự chọn là 18). Còn với chương trình mới, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình.