September 27, 2024 | 08:00 GMT+7

Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu, tạo bước tiến trong nỗ lực quản trị AI

Bảo Ngọc -

Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên hợp quốc đã đưa vấn đề quản trị công nghệ và AI lên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu…

Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu.
Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu.

Liên hợp quốc (LHQ) vừa công bố khuôn khổ toàn diện đầu tiên về hợp tác kỹ thuật số và quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), Euronews Next đưa tin.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, động thái là một phần của "Hiệp ước vì tương lai" được Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố vào ngày 22/9 vừa qua, nhằm mục đích tạo nên "bước thay đổi hướng tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, toàn diện hơn và có hệ thống hơn".

Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu (GDC) đính kèm trong Hiệp ước vì tương lai, được thông qua mà không cần bỏ phiếu, cam kết các bên chủ chốt sẽ thảo luận về biện pháp quản lý AI và trách nhiệm của tổ chức công nghệ.  

Bộ tài liệu dài 66 trang với 56 hành động hứa hẹn được áp dụng rộng rãi đối với thị trường công nghệ trong tương lai.

VỀ AI

Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu thúc đẩy việc quản lý AI theo lộ trình.

Bà Renata Dawn, cố vấn đặc biệt từ văn phòng đặc phái viên về công nghệ của Tổng thư ký Liên hợp quốc, chia sẻ qua email rằng: "GDC là thỏa thuận toàn cầu toàn diện nhất cho đến nay về hợp tác kỹ thuật số".

Bà Dawn nói thêm: "Đây là khuôn khổ quốc tế nổi bật về quản trị công nghệ có trách nhiệm, giải quyết nhiều vấn đề nền tảng (kết nối, cơ sở hạ tầng), đồng thời là khuôn khổ cho quản trị AI".

Đáng chú ý, Hiệp ước kêu gọi Chính phủ các nước và công ty tư nhân đóng góp vào Quỹ AI toàn cầu, cho phép phần lớn quốc gia đang phát triển hưởng lợi từ những tiến bộ công nghệ.

Bà Dawn bày tỏ: "Sử dụng nguồn lực công và tư, bao gồm cả đóng góp hiện vật, Quỹ có thể cung cấp chương trình đào tạo liên quan đến AI, thời gian, máy tính, mô hình và bộ dữ liệu được quản lý với chi phí thấp hơn chi phí thị trường".

Hiệp ước từ LHQ cũng ủng hộ việc thành lập Ban Khoa học Quốc tế và Đối thoại Chính sách Toàn cầu về AI.

Đối với công ty công nghệ, Hiệp ước kêu gọi tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống, đặc biệt trong khâu kiểm duyệt nội dung và xử lý dữ liệu người dùng. Ngoài ra, các công ty công nghệ cũng nên phát triển giải pháp và công khai toàn bộ hành động nhằm chống lại tác hại tiềm ẩn, chẳng hạn như ngôn từ thù địch và phân biệt đối xử, từ nội dung AI. 

Tuy nhiên, tài liệu không nêu rõ liệu doanh nghiệp có nên minh bạch về lượng dữ liệu mà AI được đào tạo hay không, nhưng có đề cập rằng bất kỳ biện pháp thu thập nào cũng phải kết hợp yếu tố bảo vệ người dùng vào quy trình đào tạo mô hình AI, chẳng hạn như xác định tài liệu do AI tạo ra, chứng nhận tính xác thực cho nội dung và nguồn gốc, dán nhãn, thêm hình mờ và một số kỹ thuật khác.

Đặc biệt, Hiệp ước khuyến khích các công nghệ nguồn mở và đổi mới mở. Điều này đồng nghĩa là phần lớn thiết kế AI của các đại gia công nghệ sẽ được công khai. Không rõ phương án sẽ được áp dụng như thế nào với một số ông lớn trong ngành như OpenAI, vốn là công ty nguồn đóng. 

Yêu cầu về nguồn mở không chỉ áp dụng cho lĩnh vực AI mà còn sử dụng nhằm xây dựng kiến ​​thức chuyên môn cho Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.  

Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu (GDC) tập trung giải quyết vấn đề quản trị AI và công nghệ đổi mới. 
Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu (GDC) tập trung giải quyết vấn đề quản trị AI và công nghệ đổi mới. 

VỀ INTERNET VÀ KHOẢNG CÁCH SỐ

Bản Hiệp ước nêu rõ cam kết hỗ trợ tất cả người dân tiếp cận công nghệ Internet và thừa nhận mục tiêu lớn đòi hỏi phải tăng cường đầu tư tài chính vào các quốc gia đang phát triển từ Chính phủ và bên liên quan khác, chủ yếu là khu vực tư nhân.

Đề xuất bao gồm xây dựng vệ tinh và sáng kiến ​​mạng lưới cục bộ cũng như cung cấp vùng phủ sóng mạng an toàn bảo mật cho mọi khu vực, bao gồm vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng "khó tiếp cận".

Ngoài việc cho phép người dân kết nối mạng Internet, Hiệp ước còn nhấn mạnh tham vọng thiết lập chiến lược kỹ năng số quốc gia, xoay quanh mục tiêu giáo dục trong thời đại số và tăng cường nền tảng công nghệ số giá cả phải chăng.

Tài liệu ghi rõ: "Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp tối đa kỹ năng số cơ bản cho càng nhiều người dân càng tốt, đồng thời nâng cao bộ kỹ năng số trung cấp hoặc cao cấp".

Sáng kiến cũng hướng tới sứ mệnh thu hẹp khoảng cách số và khuyến khích hợp tác đa phương, ví dụ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực tư nhân, nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kiến ​​thức số và tiếp cận năng lực nghiên cứu.

Cuối cùng, GDC cam kết hỗ trợ sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào các môn học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). 

VỀ CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ VÀ VẤN ĐỀ BẢO VỆ TRẺ EM

Hiệp ước chỉ rõ vấn đề cấp bách là chống lại và giải quyết mọi hình thức bạo lực, bao gồm bạo lực tình dục hay bạo lực giới, xảy ra thông qua hoặc "được khuếch đại do sử dụng công nghệ".

Theo đó, GDC kêu gọi hành động chống lại ngôn từ thù địch, phân biệt đối xử, thông tin sai lệch, bắt nạt mạng, cũng như nạn bóc lột và lạm dụng trẻ em.

Tài liệu được đưa ra trong bối cảnh phần lớn nền tảng truyền thông xã hội chịu áp lực trong việc bảo vệ người dùng trẻ tuổi khi sử dụng mạng. Vào tháng 1/2024, ông chủ Meta Mark Zuckerberg đã lên tiếng xin lỗi trước Quốc hội Hoa Kỳ tới các gia đình có trẻ em bị xâm hại trên nền tảng của hãng.

Hiệp ước cũng đề xuất công ty công nghệ và truyền thông xã hội thiết lập cơ chế báo cáo an toàn và bảo mật để người dùng dễ dàng báo cáo hành vi vi phạm chính sách tiềm ẩn, thậm chí đưa ra cơ chế báo cáo đặc biệt dành cho trẻ em và người khuyết tật.

Như đã nêu, Liên hợp quốc hy vọng các tổ chức công nghệ và truyền thông xã hội sẽ tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống, bao gồm điều khoản dịch vụ, kiểm duyệt nội dung cũng như thuật toán đề xuất hay xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng.

LIỆU HIỆP ƯỚC CÓ MANG LẠI HIỆU QUẢ?

Mặc dù Liên hợp quốc đưa cam kết toàn cầu về quản trị dữ liệu vào chương trình nghị sự, nhưng Hiệp ước và Thỏa thuận đều không mang tính ràng buộc, nghĩa là không rõ liệu các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và công ty công nghệ có chấp nhận thực hiện Hiệp ước hay không.

Tuy nhiên, cố vấn Dawn cho biết GDC được xây dựng xuyên suốt 18 tháng tham vấn hàng nghìn bên liên quan, trong đó các công ty công nghệ lớn đã tham gia tích cực.

Bà Dawn chia sẻ thêm: "Hiệp ước đang được nhiều ngành công nghiệp phê duyệt và các bên liên quan sẽ có cơ hội tham gia vào quá trình thực hiện, giám sát".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate