Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương trên cả nước. Qua 4 đợt dịch, hàng loạt các giải pháp công nghệ đang được sử dụng như những “vũ khí”, công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong phòng chống Covid như Ncovi phục vụ việc khai báo sức khỏe hàng ngày; khai báo y tế điện tử bằng mã QR, ứng dụng truy vết Bluezone; tờ khai y tế; Vietnam Health Declaration giúp khai báo y tế với người nhập cảnh; Sổ sức khỏe điện tử đăng ký tiêm vaccine, Bản đồ An toàn Covid...
VÌ SAO KHÔNG THỂ GỘP CÁC ỨNG DỤNG THÀNH "SUPER APP"?
Việc áp dụng các giải pháp công nghệ đã hỗ trợ đắc lực và hiệu quả hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covis-19. Theo ông Lê Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu và phát triển Phenikaa, công nghệ được ứng dụng để nghiên cứu các loại thuốc điều trị chữa bệnh, vaccine. Công nghệ cũng được ứng dụng để phân tích số liệu, dự báo, cảnh báo; giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh như khám bệnh từ xa, truy vết, khai báo y tế…
Có những bài toán của người dùng đòi hỏi cần phải có ứng dụng cụ thể giải quyết, đáp ứng nhu cầu thực tế. Mỗi ứng dụng sẽ phục vụ cho một mục đích khác nhau...
Một trong những lợi ích rõ nét nhất khi áp dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh, đó là khả năng ứng dụng hàng loạt. Đơn cử như khi áp dụng công nghệ, người dân có thể khai báo y tế online, giúp tốc độ khai báo y tế và tổng hợp thông tin nhanh hơn thực hiện thủ công. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ có thể giúp sàng lọc, giảm số lượng người phải cách ly.
Như vậy, người dân hiện nay có thể cài 2-3 ứng dụng để khai báo y tế và truy vết trên di động. Bên cạnh đó, mỗi địa phương lại có những giải pháp ứng dụng hỗ trợ. Câu hỏi đặt ra là có thể tích hợp các ứng dụng như một số nước đã triển khai siêu ứng dụng “super app”?
Chia sẻ điều này, các chuyên gia cho rằng thực tế mỗi địa phương có nhu cầu đặc thù riêng của mình nên tạo một ứng dụng phù hợp. Bên cạnh đó, có những bài toán của người dùng đòi hỏi cần phải có ứng dụng cụ thể giải quyết đáp ứng nhu cầu thực tế. Mỗi ứng dụng sẽ phục vụ cho một mục đích khác nhau. Ví dụ như ứng dụng Bluezone không thể lồng trong Ncovi hay tờ khai y tế…
Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần công nghệ DTT, Tổ phó Tổ thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch Covid-19, nhấn mạnh một giải pháp công nghệ sinh ra đi theo mục tiêu của công việc phòng chống dịch. Do đó, không thể gộp chung ba ứng dụng này vào một siêu ứng dụng “super app” vì sẽ mâu thuẫn với nhau về nguyên tắc thiết kế.
Theo các chuyên gia, khi triển khai phòng chống dịch có nhiều việc phải làm như khai báo y tế bắt buộc khi di chuyển, khai báo y tế tự nguyện, truy vết… Các giải pháp công cụ trên đều nhằm mục đích hỗ trợ người dân một cách thuận tiện và dữ liệu được khai thác một cách hiệu quả để phục vụ công tác phòng chống dịch. Do đó, việc cần thiết là tích hợp, liên thông dữ liệu chứ không phải tích hợp ứng dụng.
LIÊN THÔNG DỮ LIỆU GIỮA CÁC ỨNG DỤNG
Đại diện Cục Công nghệ thông tin cho biết hiện nay việc liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng đã bắt đầu được triển khai. Nhờ sự liên thông này, thay vì một “super app”, chủ trương tiến tới mỗi người dân sẽ có một mã QR. Mã này sẽ liên thông dữ liệu với tất cả các ứng dụng phòng chống dịch hiện nay như check in, khai báo y tế và xét nghiệm, tiêm chủng…
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống cũ để phục vụ các mục tiêu nhiệm vụ đặt ra sẽ xây dựng hệ thống mới tạo thành một bộ giải pháp kiến trúc tổng thể, lấy hồ sơ sức khỏe điện tử làm trọng tâm để liên kết thông tin. Dữ liệu sau khi check in mã QR có thể liên thông với ứng dụng Bluezone và ngược lại.
Hệ thống ứng dụng này đang trong quá trình hoàn thiện, tiến tới trong tương lai, khi người dân cài một ứng dụng bất kỳ phòng chống dịch thì sẽ được cấp một mã QR và sẽ liên thông dữ liệu với tất cả các ứng dụng khác.
Theo mục tiêu đặt ra, phấn đấu trong tháng 7 hoàn thiện hệ thống giải pháp này để dữ liệu được liên thông trong tất cả các quy trình quản lý từ khai báo y tế điện tử, khi di chuyển, check in cũng như xét nghiệm, tiêm chủng vaccine Covid và các hoạt động phòng chống dịch…