April 05, 2022 | 19:28 GMT+7

Lo hệ lụy từ thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM, các hiệp hội kiến nghị khẩn tới Thủ tướng

Anh Nhi -

Sau giai đoạn trì hoãn do ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần 4 tại Việt Nam, việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM từ 1/4/2022 đang khiến hoàng loạt doanh nghiệp và hiệp hội "đứng ngồi không yên"…

Nhiều doanh nghiệp lo ngại nhiều hệ lụy.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại nhiều hệ lụy.

Tiếp nhận phản ánh từ các hiệp hội như Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hóa, Hiệp hội Chủ hàng, Hội Vận tải thủy nội địa, Hiệp hội Chủ tàu, Hiệp hội Cà phê Ca cao; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Thép, Hiệp hội Nhôm thanh định hình, Hiệp hội Phân bón… cùng một số hiệp hội ngành hàng khác, cũng như khối doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai, Bình Dương, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết hiện nay hàng loạt doanh nghiệp và hiệp hội đều đang rất lo lắng về những hệ lụy từ quyết định thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM.

QUYẾT ĐỊNH GÂY NHIỀU BẤT CẬP

Cụ thể, Đề án “Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM” đã được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua ngày 09/12/2020.

Sau giai đoạn trì hoãn thu do ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần 4 tại Việt Nam, ngày 29/03/2022, UBND TP.HCM có Thông báo số 43/TB-UBND quy định chi tiết về đối tượng và mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM và áp dụng thu phí kể từ 01/4/2022.

“Tuy nhiên, với khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng trên địa bàn TP.HCM như hiện nay, số lượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định này là đặc biệt lớn”, Ban IV cho biết.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quyết định đang tạo ra một số hệ lụy không nhỏ, không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp và nền kinh tế mà còn ảnh hưởng tới khâu thực thi pháp luật trong hệ thống cac cơ quan hành pháp.

Thứ nhất, việc TP.HCM gia tăng một gánh nặng chi phí mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu giữa bối cảnh chi phí logistics đã tăng quá cao trong thời gian qua thể hiện sự “ngược dòng” với chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch.

“Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm, nỗ lực và yêu cầu đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để tạo đà cho phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế, quyết định của một địa phương như vậy có thể làm giảm rất nhiều niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời tạo ra hệ lụy là tăng chi phí logistics, đội giá thành sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn hơn trong việc cạnh tranh, phục hồi và làm giảm sức hút của môi trường đầu tư trong nước”, ban IV nhận định.

Thứ hai, việc quy định mức thu phí chênh lệch giữa việc mở tờ khai tại TP.HCM và ngoài TP.HCM là không phù hợp Luật Phí, Lệ phí và Luật Hải quan hiện hành, tạo sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận, đồng thời cũng gây xáo trộn trong công tác quản lý của chính quyền và hệ thống cơ quan hải quan các tỉnh giáp TP.HCM với hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn trước xu hướng “dịch chuyển” sau biện pháp kĩ thuật của TP.HCM về phân biệt mức phí.

Lo hệ lụy từ thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM, các hiệp hội kiến nghị khẩn tới Thủ tướng - Ảnh 1

Thứ ba, việc có quy định không chính xác về một số đối tượng thu phí như phản ánh của một số hiệp hội cũng không phù hợp với pháp luật về Phí, lệ phí hiện hành và ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp vào chính sách, pháp luật của nhà nước.

Đồng thời, với 1 số lĩnh vực đang cần đặc biệt thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển như lĩnh vực thủy nội địa để giảm tải gánh nặng cho các hạ tầng khác, sẽ không đạt mục tiêu và chủ trương chung của quốc gia.

BA KIẾN NGHỊ KHẨN TỚI THỦ TƯỚNG

Từ thực tiễn nêu trên, Ban IV cùng các Hiệp hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND TP.HCM nghiên cứu, thực hiện khẩn trương một số vấn đề.

Một là, bài toán lợi ích của địa phương phải được cân nhắc sau bài toán chung của quốc gia, theo đó, doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP. HCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển.

Hai là, trường hợp khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp cũng đã cơ bản phục hồi, nếu có xem xét triển khai thu phí thì mức phí được ban hành phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phí, Lệ phí và Luật Hải quan (thu trên cơ sở minh bạch nguồn đầu tư trước đó, thu để bù đắp một phần đầu tư thay vì thu để đầu tư xây dựng các hạ tầng khác của Thành phố, thu công bằng giữa các chủ thể sử dụng hạ tầng thay vì phân biệt như hiện nay theo địa điểm mở tờ khai thông quan).

Ba là, không thu phí đối với những đối tượng không đúng theo quy định của Luật và các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Cụ thể, không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa; và không thu phí Cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập - tái xuất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate