Vào lúc gần 17h ngày 16/11 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á theo dữ liệu từ Kitco.com đứng ở 1.873,6 USD/oz, tăng 10,4 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày 15/11 tại thị trường New York. Đây là mức giá cao nhất của vàng kể từ trung tuần tháng 6.
Tuần trước, giá vàng đã bứt phá mạnh khỏi vùng biên độ đã kéo dài trước đó, bằng mức tăng khoảng 2,5% trong cả tuần sau khi số liệu từ Mỹ cho thấy lạm phát tháng 10 ở nước này tăng lên mức cao nhất 3 thập kỷ.
VÀNG HƯỞNG LỢI TỪ NGUY CƠ LẠM PHÁT CAO DAI DẲNG
Cơ hội bứt phá của giá vàng đã đến khi nhà đầu tư lo ngại lạm phát cao sẽ kéo dài hơn so với dự kiến của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lạm phát cao có thể đẩy kinh tế Mỹ vào một thời kỳ tăng trưởng trì trệ, rốt cục khiến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp suy giảm, và theo đó đe doạ giá cổ phiếu. Trong khi đó, vàng từ lâu được các nhà đầu tư xem là một kênh lưu trữ giá trị tuyệt vời. Họ thường mua vàng khi triển vọng tăng trưởng kinh tế kém đi hay kỳ vọng lạm phát tăng lên.
Trước tuần này, giá vàng đã có một thời kỳ dài ảm đạm do Phố Wall tin tưởng rằng lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt. Nhưng rồi các nhà giao dịch đã đẩy mạnh đặt cược rằng lạm phát sẽ cao dai dẳng, buộc Fed phải tăng lãi suất sớm hơn. Kỳ vọng này đã thu hẹp khoảng cách lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn và dài hạn – một hiện tượng được gọi là đường cong lợi suất trở nên phẳng (flattening yield curve), gây lo ngại về triển vọng kinh tế.
Nhìn chung, theo tờ Wall Street Journal, biến động trên thị trường vàng và thị trường trái phiếu những ngày gần đây cho thấy các nhà giao dịch đang kỳ vọng rằng sự kết hợp giữa tính trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng mạnh sẽ duy trì trong thời gian tới, đồng nghĩa với giá cả sẽ tiếp tục leo thang. Một số nhà phân tích cũng lo ngại rằng lạm phát cao kéo dài có thể đe doạ sự tăng điểm của chứng khoán Mỹ, sau khi chỉ số S&P 500 đã tăng 25% trong năm nay và có 65 lần đóng cửa ở mức kỷ lục kể từ đầu năm.
“Chúng tôi đang chứng kiến nhà đầu tư nói rằng: ‘Ồ, lạm phát sẽ lâu đấy, nên chúng ta cần mua thêm kim loại quý’”, ông Chris Gaffney, Chủ tịch phụ trách thị trường toàn cầu của TIAA Bank, phát biểu. Ông Gaffney khuyến nghị khách hàng nâng mức phân bổ vào vàng trong danh mục đầu tư lên vùng cận trên của khoảng 5-10% mà ông đưa ra.
Theo dữ liệu từ Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ (CFTC), các quỹ đầu cơ đã đổ xô mua vàng trong tuần kết thúc vào ngày 9/11, nâng mức đặt cược ròng vào sự tăng giá của vàng lên cao nhất kể từ đầu năm nay và cao hơn gần 50% so với tuần trước đó.
Đà tăng này của giá vàng xuất hiện cùng lúc với những dấu hiệu khác gần đây cho thấy nhà đầu tư đang bắt đầu tìm kiếm sự bảo vệ lớn hơn trước đà tăng của giá cả tiêu dùng. Nhu cầu của nhà đầu tư đối với trái phiếu kho bạc Mỹ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS) kỳ hạn 30 năm – một loại trái phiếu có giá trị chi trả được điều chỉnh theo lạm phát – đã tăng mạnh gần đây, khiến lợi suất vốn đã âm lại càng giảm sâu hơn, xuống mức thấp chưa từng thấy.
Lợi suất trái phiếu giảm càng hỗ trợ cho giá vàng, bởi vàng là một kênh đầu tư không mang lãi suất. Ngay cả khi dữ liệu lạm phát khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh trong những phiên gần đây, lợi suất của kỳ hạn 10 năm chốt phiên ngày thứ Hai ở mức 1,62%, vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của năm 2021 gần 1,75% thiết lập hồi cuối tháng 3.
Trong một dấu hiệu lạc quan khác về vàng, nhà đầu tư đang đẩy tăng giá cổ phiếu của các công ty khai mỏ. Tuần trước, cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Barrick Gold Corp tăng 7,3%, cổ phiếu của Newmont Corp. tăng gần 5%. Chứng chỉ quỹ chuyên đầu tư cổ phiếu các công ty khai mỏ vàng VanEck Gold Miners ETF tăng 6,1%.
Trong một báo cáo vào tuần trước, các nhà phân tích của Citigroup nhận định rằng việc giá vàng vượt 1.850 USD/oz có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới xuống tiền, đưa 1.900 USD/oz trở thành một ngưỡng giá trong tầm tay.
“Cho dù lãi suất ở Mỹ và tỷ giá đồng USD có tăng lên, giá vàng dường như đã tìm được động lực để tăng giá và đang tập trung vào vấn đề lạm phát để lấy đà”, chuyên gia Ed Meir thuộc ED&F Man Capital Markets nhận định trong một báo cáo được Wall Street Journal trích dẫn.
NHỮNG RỦI RO ĐỐI VỚI TRIỂN VỌNG TĂNG GIÁ CỦA VÀNG
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã lấy sự suy giảm của lợi suất trái phiếu sau khi điều chỉnh theo lạm phát, hay còn gọi là lợi suất thực, làm căn cứ để rót mạnh tiền vào thị trường chứng khoán. Nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng nỗi lo lạm phát gia tăng và nguy cơ Fed không thể kiểm soát được lạm phát đang phủ bóng lên triển vọng của giá cổ phiếu ở Phố Wall trong mùa đông này.
Dù vậy, cũng có những nhà phân tích tin rằng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty niêm yết sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cổ phiếu và hạn chế bớt nhu cầu nắm giữ vàng. Giá vàng hiện vẫn thấp hơn 1,5% so với thời điểm đầu năm và thấp hơn gần 10% kể từ mức kỷ lục 2.050 USD/oz thiết lập vào tháng 8/2020.
Còn có một lực lượng khác có thể che mờ triển vọng của giá vàng: một số người ủng hộ Bitcoin cho rằng tiền ảo này sẽ thay thế vàng trên cương vị kênh đầu tư chống lạm phát. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích phủ nhận đánh giá như vậy, cho rằng Bitcoin có xu hướng tăng giá tốt hơn khi thị trường chứng khoán tăng điểm và chưa từng được thử thách qua những cuộc suy thoái hay thời kỳ lạm phát kéo dài.
Một số nhà phân tích cũng lo ngại việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD tiếp tục tăng có thể cản trở đà tăng của giá vàng. Chỉ số WSJ Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với 16 đồng tiền chủ chốt khác gần đây đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2020. Vàng được định giá bằng USD, nên việc USD tăng giá khiến cho vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua tại các quốc gia không sử dụng đồng USD.