December 05, 2021 | 13:30 GMT+7

Lo lạm phát, Hội Doanh nhân trẻ đề xuất giám sát thực thi “từ xa từ sớm”

Anh Nhi -

Từ những hệ lụy to lớn từ gói kích cầu đầu tư 2008-2009 đối với nền kinh tế, Hội Doanh nhân trẻ đề nghị việc thực thi chính sách kích cầu kinh tế sắp tới phải được tăng cường giám sát, theo phương châm “từ xa từ sớm”...

Với mục tiêu khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sự phục hồi của doanh nghiệp và sinh kế của người dân, Chính phủ hiện đang soạn thảo gói phục hồi kinh tế trình Quốc hội phê duyệt theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Trung ương 4, Khóa 13 là xem xét, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng linh hoạt và quy mô phù hợp để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, phát biểu tại “Diễn đàn kinh tế Việt Nam: Phục hồi và phát triển bền vững” sáng 5/12, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng cần lưu ý về bài học từ gói kích cầu đầu tư năm 2008-2009.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ phát biểu tại Diễn đàn ngày 5/12.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ phát biểu tại Diễn đàn ngày 5/12.

 “Mặc dù đã giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng tại thời điểm đó nhưng gói kích cầu cũng tạo ra những hệ lụy to lớn cho sự phát triển bền vững khi chính sách tuy đúng đắn nhưng việc thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát dẫn đến thất thoát, tiêu cực, thậm chí phản tác dụng”, ông Hồng Anh nhận định.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, nguyên nhân chính được đúc kết là do thiếu một cơ chế kiểm soát tốt trong quá trình triển khai chính sách, thiếu sự phối hợp trao đổi giữa khu vực doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp và các cơ quan, chủ thể thực thi chính sách kích cầu nên khi thực hiện hỗ trợ quy mô lớn, dòng tiền không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán, đầu cơ bất động sản, vàng… Hậu quả là lạm phát tăng cao gây bất ổn nền kinh tế vỹ mô và kìm hãm sự phục hồi kinh tế.

“Vì vậy, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị Quốc hội cần tập trung tăng cường công tác giám sát thực thi chính sách kích cầu kinh tế sắp tới theo phương châm từ xa từ sớm”, ông Hồng Anh đề xuất.

Theo đại diện Hội Doanh nhân trẻ, mô hình giám sát chính sách “từ xa từ sớm” là mô hình tiên tiến nhất hiện nay về giám sát thực thi chính sách theo phương châm khoa học, toàn diện và xuyên suốt bắt đầu ngay từ khâu xây dựng chính sách và việc giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện được diễn ra song song với quá trình triển khai chính sách.

Cách làm này đặc biệt phù hợp với các chính sách kích cầu kinh tế bởi nó cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tránh “sự đã rồi” hay những bất cập không được giải quyết trong quá trình triển khai khiến cho việc giải ngân liên tục bị gián đoạn và làm giảm hiệu quả của chính sách.

Đồng thời phương pháp tiếp cận “từ xa từ sớm” cũng giúp nâng cao tính thực tiễn và tính đại diện của chính sách thông qua cơ chế tham vấn công-tư và sự vào cuộc giám sát, phối hợp thực hiện của chính các đối tượng thụ hưởng như khối doanh nghiệp và các tổ chức xã hội như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên… qua đó đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc đưa chính sách đi vào đời sống người dân.

Hơn nữa, trên thực tế, mô hình giám sát chính sách “từ xa từ sớm” của Quốc hội đã và đang được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia phát triển trên thế giới, như Anh, Pháp, Úc, New Zealand, Scotland với số lượng chính sách được áp dụng cơ chế song kiểm này ngày càng tăng vì hiệu quả thực tiễn của nó đã được chứng minh.

“Do đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trân trọng đề xuất sẽ phối hợp với các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế thực hiện một chương trình hỗ trợ Quốc hội triển khai mô hình giám sát chính sách “từ xa từ sớm” này nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho gói chính sách kích cầu giúp nền kinh tế vượt qua suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra”, ông Hồng Anh kiến nghị.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate