Sự dịch chuyển lập trường theo hướng cứng rắn hơn được đưa ra trong bối cảnh giá cả ở Mỹ giữ đà tăng nóng, bất chấp biến chủng mới của Covid-19 trở thành một rủi ro mới đối với tăng trưởng.
Những phát biểu của ông Powell trong phiên điều trần trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ - nơi các nghị sỹ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đều bày tỏ lo ngại về lạm phát cao – được thị trường tài chính giải nghĩa là có thể dẫn tới việc Fed nâng lãi suất sớm hơn dự kiến trong năm 2022.
“Tôi cho rằng, sẽ là phù hợp nếu chúng tôi thảo luận trong cuộc họp sắp tới, dự kiến diễn ra sau 2 tuần nữa, về việc có nên kết thúc chương trình mua tài sản sớm hơn vài tháng so với dự kiến ban đầu hay không”, ông Powell – người mới tuần trước được Tổng thống Joe Biden đề cử cho ghế Chủ tịch Fed nhiệm kỳ tiếp theo – phát biểu. “Trong 2 tuần tới, chúng ta sẽ có thêm dữ liệu và hiểu thêm về biến chủng mới của Covid”.
Chương trình nới lỏng định lượng (QE), được Fed triển khai sau khi Covid trở thành đại dịch vào năm ngoái, mua vào mỗi tháng 120 tỷ USD trái phiếu, gồm trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu đảm bảo bằng nợ bất động sản. Trong cuộc họp tháng 11 vừa qua, Fed tuyên bố cắt giảm chương trình này 15 tỷ USD mỗi tháng, tiến tới kết thúc chương trình vào khoảng giữa năm 2022.
Cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 14-15/12. Việc đẩy nhanh cắt giảm QE có thể được Fed quyết định trong lần họp này.
Giới chức Fed vẫn nói rằng Fed sẽ đóng QE trước khi bắt đầu tăng lãi suất. Sau tuyên bố trên của ông Powell, thị trường bắt đầu tăng đặt cược vào một động thái tăng lãi suất sớm hơn dự kiến của Fed.
“Dường như chỉ có tình hình dịch bệnh xấu đi trong 2 tuần tới mới có thể ngăn Fed khỏi việc đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản”, chuyên gia kinh tế trưởng Michael Feroli của JPMorgan Chase nhận định trong một báo cáo.
Trước phiên điều trần này của ông Powell, nhiều nhà hoạch định chính sách khác trong Fed cũng đã đưa ra lập trường ủng hộ việc đẩy nhanh cắt giảm QE nếu các dữ liệu kinh tế vẫn ổn. Sự ủng hộ của cả hai đảng trong phiên điều trần đối với việc cần hành động mạnh hơn để chống lạm phát cũng mang đến cho ông Powell hậu thuẫn chính trị cần thiết để đẩy nhanh cắt giảm QE, trong bối cảnh Thượng viện Mỹ sắp bỏ phiếu phê chuẩn ông cho ghế Chủ tịch Fed nhiệm kỳ tiếp theo bắt đầu từ tháng 2/2022.
Quan điểm mà ông Powell đưa ra trong cuộc điều trần này đánh dấu một sự dịch chuyển quan trọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch Fed đầu tiên của ông. Cho tới gần đây, Fed vẫn khẳng định rằng lạm phát cao chỉ là vấn đề “tạm thời” và sẽ dịu đi theo thời gian. Lần này, ông Powell nói “giờ là lúc phù hợp để thôi dùng từ đó”.
Giải thích về sự dịch chuyển này, ông Powell nói từ “tạm thời” dùng để chỉ sự tăng giá trong thời gian ngắn và “không dẫn tới tình trạng lạm phát cao kéo dài”, bởi giá cả tăng do gián đoạn nguồn cung về hàng hoá và lao động. Tuy nhiên, ông Powell thừa nhận rằng việc dùng từ “tạm thời” để nói về giá cả tăng cao ở Mỹ giờ không còn phù hợp, vì sự khan hiếm cả hàng hoá và lao động hiện nay đang đòi hỏi thời gian lâu hơn để giải quyết.
“Hầu hết các nhà dự báo, bao gồm cả Fed, đều tiếp tục cho rằng lạm phát sẽ giảm đáng kể trong năm tới, khi mất cân đối cung-cầu dịu đi”, ông Powell nói. “Rất khó để dự báo về sự kéo dài của lạm phát cao và tác động của tình trạng hạn chế nguồn cung, nhưng có vẻ như các yếu tố này sẽ đẩy lạm phát tăng cho tới sang năm 2022”.
Về biến chủng Omicron, ông Powell nói trong phần phát biểu mở đầu phiên điều trần rằng việc số ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ tăng thời gian gần đây và việc biến chủng mới xuất hiện đặt ra “rủi ro suy giảm tăng trưởng đối với cả thị trường việc làm và các hoạt động kinh tế, đồng thời làm gia tăng bấp bênh về lạm phát”.
Tuy nhiên, trong phần hỏi và trả lời của phiên điều trần, cả ông Powell và các nghị sỹ cùng tập trung vào những dấu hiệu cho thấy lạm phát tiếp tục leo thang sau cuộc họp tháng 11 của Fed.