Nhịp giảm mạnh của thị trường trong tháng 10 đã kích hoạt dòng vốn giải ngân vào thị trường cổ phiếu Việt Nam. Lực cầu bắt đáy đã bù đắp được lượng vốn rút ra, giúp tổng dòng vốn đảo chiều tăng nhẹ 243 tỷ đồng trong tháng 10, sau khi bị rút mạnh trong hai tháng trước đó. Tính từ đầu năm, tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt 526 tỷ đồng.
Trong đó, quỹ Fubon bắt đầu mua ròng trở lại từ cuối tháng 9 và đẩy mạnh lực mua trong tháng 10 khi thị trường có những phiên giảm mạnh. Quỹ đã vào ròng 1.264 tỷ đồng trong tháng 10 sau khi bị rút ròng liên tục trong 4 tháng.
Lũy kế từ đầu tháng 10 đến nay quỹ này đã rót ròng gần 78,5 triệu USD tương đương 1.097 tỷ đồng vào thị trường Việt Nam. Lũy kế từ đầu năm, Fubon ETF hút ròng 64,5 triệu USD vào thị trường Việt Nam.
Mặc dù hút ròng gần 2.000 tỷ đồng nhưng Fubon FTES Vietnam ETF đã báo lỗ 10,9% trong tháng 10 vừa qua, lỗ lũy kế từ đầu năm tới nay là 4,6%. Fubon FTSE Vietnam ETF là quỹ ETF được thành lập từ tháng 3/2021. Tại ngày 9/11, quy mô danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF đạt hơn 26,8 tỷ Đài Tệ, tương ứng hơn 831 triệu USD (khoảng 20.240 tỷ đồng), quỹ dành 100% đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index.
Trong cơ cấu danh mục, HPG hiện là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 10,59% (nắm giữ 80,52 triệu cổ phiếu), xếp tiếp theo lần lượt là VNM (27,2 triệu cổ phiếu, tỷ trọng 9,46%), VCB (21,4 triệu cổ phiếu, tỷ trọng 9,27%), VHM (43 triệu cổ phiếu, tỷ trọng 9,08%), VIC (39 triệu cổ phiếu, tỷ trọng 8,78%)…
Trong khi đó, VanEck Vectors vào ròng 82,1 triệu USD tương đương gần 2.000 tỷ đồng từ đầu năm ghi nhận hiệu suất âm 11,9% trong tháng 19 và âm 0,8% tính từ đầu năm.
Một số ETF khác cũng lỗ nặng ở thị trường Việt Nam trong tháng 10 vừa qua gồm VFM VN30 ETF âm 11,9%; VFM VNDiamond lỗ 13,8%; SSIAM VNFIN LEAD âm 11,6%; FTSE Vietnam âm 14,4%; KIM ACE Vietnam VN30 âm 9,9%.
Nhận định về dòng vốn ETF trong thời gian tới, SSI Research duy trì quan điểm tích cực đối với dòng vốn ETF – tuy nhiên mức độ vào ròng sẽ không quá đột biến khi các biến số vĩ mô chưa có sự cải thiện rõ nét.
Tuy nhiên, một số yếu tố tích cực có thể hỗ trợ dòng tiền ETF như định giá ở một số thị trường như Đài Loan và Hàn Quốc cao và triển vọng không còn nhiều do tăng trưởng lợi nhuận bị phụ thuộc nhiều vào nhóm ngành công nghệ. Dòng tiền từ các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục cơ cấu nhằm hạn chế tác động của đạo luật mới về thuế.
Tuy nhiên, kì vọng một phần dòng tiền cá nhân rút ra có thể sẽ chuyển sang Chứng chỉ lưu kí (DR) hoặc các quỹ đầu tư từ Thái và do vậy vẫn có thể ghi nhận dòng tiền gián tiếp tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo yếu tố mùa vụ, dòng tiền ETF thường có xu hướng giải ngân mạnh hơn trong Quý 4 và Quý 1. Bất cứ nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường trong giai đoạn này sẽ kích hoạt dòng tiền ETF bắt đáy.