Mục tiêu kép của năm 2013 là “tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012” nhận được nhiều băn khoăn từ các chuyên gia tại một hội thảo về giá cả tổ chức hôm 27/12 tại Hà Nội.
Định hướng của Chính phủ về điều hành kinh tế trong năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn và tăng trưởng cao hơn 2012. Định hướng này đã được chính thức công bố tại nhiều diễn đàn, hội nghị gần đây.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, thực hiện “mục tiêu kép” này là không đơn giản trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn và lao động, trong khi các điều kiện vĩ mô không ủng hộ.
“Độ ổn định kinh tế vĩ mô của chúng ta rất kém, năm ngoái, tháng 9 hơi nhích nhẹ đầu tư công là lạm phát lên ngay. Trong hai nhiệm vụ trên, lạm phát thấp hơn phải được ưu tiên hơn tăng trưởng thì mới đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Tuyến nói.
Chuyên gia này nhấn mạnh rằng phải giải quyết nợ đọng mới có tăng trưởng nhưng giải quyết nợ thế nào là bài toán khó với cơ quan hoạch định chính sách. Lấy ví dụ hiện nay đang có ý kiến về việc bơm tiền cứu thị trường bất động sản, nhưng bơm thế nào để thực sự giúp kích cầu là rất khó kiểm soát và nếu triển khai không hợp lý sẽ có nguy cơ tiền được bơm ra chỉ được sử dụng để đảo nợ, chỉ có tác dụng làm đẹp các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp.
Đánh giá về kết quả kiềm chế lạm phát năm 2012 ở mức 6,81%, ông Vũ Vinh Phú, Tổng thư ký Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng tuy lạm phát thấp nhưng “hành trình” của lạm phát lại thể hiện sự thiếu ổn định trong điều hành giá cả, vì có lúc tăng nhanh, có lúc lại giảm sâu.
Ông Phú cho rằng, vấn đề lạm phát giảm trong năm 2012 không hẳn là “thành tựu về điều hành” như cách giải thích lâu nay, mà trên thực tế do sức cầu của thị trường sút giảm.
Về các mục tiêu của năm 2013, ông Phú nhấn mạnh rằng nếu nền kinh tế vẫn còn tình trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí và cơ cấu kinh tế lạc hậu thì sẽ vẫn còn nguy cơ lạm phát cao. Ngoài ra, nguyên nhân lạm phát còn do phân bổ nguồn lực không hợp lý, dồn hết cho doanh nghiệp nhà nước trong khi “bỏ rơi” doanh nghiệp tư nhân.
Ông Phú nói rằng có bốn yếu tố cần cải thiện mới mong giải bài toán lạm phát một cách căn bản. Thứ nhất là tăng năng suất lao động. Thứ hai là cải thiện về vấn đề dự trữ quốc gia. Thứ ba là chống buôn lậu và kiểm soát gian lận thương mại. Và cuối cùng là gây dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân bằng cách giảm lãi suất vay vốn và các gánh nặng thuế, phí.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa, người có nhiều kinh nghiệm về điều hành giá cả khi từng là Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính thì cho rằng năm 2013 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao. “Nguyên nhân sâu xa của lạm phát là từ cơ cấu của kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn thấp, yếu kém trong điều hành và các yếu tố bên ngoài. Một khi chưa xử lý được dứt điểm các vấn đề nội tại của nền kinh tế thì không thể chủ quan được”, ông Thỏa nói.
Hiện có ý kiến cho rằng tình hình hiện nay đã “thuận lợi” cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2013, tạo thuận lợi cho tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ông Thỏa, cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa vẫn cần được điều hành một cách “thận trọng và linh hoạt”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate