Thảo luận dự thảo Luật An ninh mạng sáng 29/5, không ít ý kiến đại biểu Quốc hội lo ngại về những quy định chưa rõ ràng tại đây.
"Băn khoăn lớn nhất của tôi khi đọc dự án Luật An ninh mạng là điều 15", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nói.
Điều này liệt kê những thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Băn khoăn của đại biểu Hiếu là mặc dù liệt kê đủ những thông tin xấu cần ngăn chặn, gỡ bỏ, tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày khó có thể khẳng định đúng, sai, nhiều khi ranh giới rất mong manh. Vậy ai là người quy định, đánh giá nội dung các thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an?
Kinh nghiệm của Indonesia quy định rất rõ ràng là "người đưa ra phán xét thông tin xấu là tòa án", ông Hiến thông tin.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng, điều 26 cần viết rõ ràng hơn, vì nếu viết chung chung là "khi có văn bản của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải cung cấp tất cả các thông tin khách hàng của mình" thì sẽ dẫn đến một nguy cơ lớn là có thể bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp đã quy định.
Cần quy định rõ ràng về văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì cơ sở cung cấp dịch vụ không gian mạng phải cung cấp toàn bộ thông tin, ông Hiếu đề nghị.
Cũng còn lo ngại về ảnh hưởng của luật nếu được thông qua, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) đề nghị cần cân nhắc một số điều khoản để tránh chồng chéo không cần thiết, tạo ra quá nhiều rào cản, gia tăng gánh nặng với doanh nghiệp, cản trở sự sáng tạo, hạn chế lợi ích chính đáng của người dân Việt Nam.
Chẳng hạn yêu cầu các cơ quan tổ chức nước ngoài khi cung cấp dịch vụ mạng phải đặt trụ sở, văn phòng đại diện tại Việt Nam "là khó khả thi, không phù hợp thực tiễn, khó khăn cho hoạt động tiếp cận thông tin của người Việt Nam".
Vị này cũng dẫn cam kết WTO và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU quy định dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không giới hạn, trừ một số trường hợp cụ thể. Nhưng các trường hợp loại trừ cũng không có đặt văn phòng đại diện, cơ quan đại diện tại quốc gia sử dụng dịch vụ, nên quy định như dự thảo luật sẽ không đúng với cam kết quốc tế.
Nhấn mạnh việc máy chủ của các dịch vụ nhiều người Việt Nam sử dụng thường xuyên như google, facebook đều đặt ở nước ngoài, đại biểu Thủy lo ngại việc đặt ra các rào cản sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân, trong bối cảnh Việt Nam chưa có bất cứ thương hiệu nào phục vụ được nhu cầu này.
Theo đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) thì quy định về việc đặt văn phòng đại diện, đặt dữ liệu người dùng tại Việt Nam nếu thực hiện được sẽ hữu ích trong việc bảo đảm an ninh, an toàn.
"Tuy nhiên, khi đã đưa ra quy định này mà phía các doanh nghiệp nước ngoài Google hoặc Facebook họ không thực hiện thì giải pháp của chúng ta ở đây là gì, liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam hay không? Vì vậy, cần phải có quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam và mối quan hệ hiện nay cũng như những cam kết của Việt Nam với nước ngoài và pháp luật quốc tế", đại biểu Thưởng đặt vấn đề.
Cùng băn khoăn về quy định tại điểm d khoản 2 điều 26 có đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng).
Khoản này quy định cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam;
Cơ quan tiếp thu dự thảo luật khẳng định điều này phù hợp với điều ước quốc tế.
Có một vấn đề đặt ra ở đây là cách giải thích như thế này là dẫn chiếu điều ước quốc tế vào trong luật, hay đây chỉ là một giải thích theo lối chủ quan của chúng ta và với nội dung của điều 26, tôi có một vấn đề đặt ra là chúng ta có cơ sở nào để đảm bảo rằng nó được thực hiện trên thực tế. Đây là điều cần phải làm sáng tỏ., ông Sơn góp ý.
Đồng tình với phân tích của đại biểu Sơn, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, dự luật An ninh mạng còn rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp của các đại biểu Quốc hội và trong dư luận xã hội rất nhiều ý kiến trái chiều.
"Vì vậy, tôi rất mong Quốc hội thận trọng xem xét, trước khi quyết định thông qua tại kỳ họp này. Đây là điều luật có thể thay đổi rất nhiều môi trường hoạt động kinh doanh, đầu tư của nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế đang hòa nhập rất mạnh với thế giới, chúng ta cần hết sức thận trọng", ông Hiếu phát biểu.