Philippines sẽ mở lại căn cứ quân sự của hải quân Mỹ trên vịnh Subic cho mục đích quân sự, đặt tại đây những chiến đấu cơ mới và hai tàu khu trục nhỏ. Đây được xem là phản ứng mới nhất của Philippines trước sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông.
Từng là một trong những cơ sở lớn nhất của hải quân Mỹ trên thế giới, căn cứ ở vịnh Subic bị đóng cửa vào năm 1992 sau khi Thượng viện Philippines chấm dứt thỏa thuận về căn cứ quân sự với Washington vào thời điểm kết thúc chiến tranh lạnh.
Sau đó, Philippines đã biến căn cứ này thành một vùng kinh tế. Quân đội Philippines cũng chưa từng đóng quân ở Subic.
Trao đổi với hãng tin Reuters, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết, vào tháng 5 vừa qua, quân đội Philippines đã ký một thỏa thuận với cơ quan điều hành khu đô thị vịnh Subic để sử dụng một phần khu này. Thỏa thuận này có thời hạn 15 năm và có thể được gia hạn thêm sau đó, đánh dấu lần đầu tiên căn cứ Subic được sử dụng cho mục đích quân sự sau 23 năm.
Từ năm 2000 đến nay, các chiến hạm Mỹ thường xuất hiện ở vịnh Subic, nhưng chỉ là neo đậu trong các cuộc tập trận chung với Philippines, hoặc để sử dụng các cơ sở thương mại tại vịnh này cho mục đích sửa chữa và nhận hàng tiếp tế.
Theo các chuyên gia an ninh, sử dụng căn cứ quân sự ở vịnh Subic sẽ cho phép không quân và hải quân Philippines phản ứng hiệu quả hơn trước các động thái của Trung Quốc trên biển Đông. Cảng nước sâu của vịnh Subic nằm ở phía Tây của Luzon, hòn đảo chính của Philippines, đối diện với biển Đông.
“Giá trị của Subic với tư cách một căn cứ quân sự đã được người Mỹ chứng minh. Các nhà hoạch địch quốc phòng của Trung Quốc biết điều đó”, chuyên gia an ninh Rommel Banlaoi của Philippines phát biểu. Một khi căn cứ này chính thức được mở cửa trở lại, các chiến hạm của Mỹ có thể xuất hiện nhiều hơn trên vịnh Subic.
Mở cửa trở lại căn cứ quân sự Subic sẽ là động thái mới nhất của Philippines nhằm phản ứng lại các tham vọng trên biển của Trung Quốc. Ngoài tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam, Philippines dự kiến chi 20 tỷ USD trong vòng 13 năm tới để hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình.
Hai vị tướng của Philippines tiết lộ, hai máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do hãng Korea Aerospace Industries sản xuất sẽ được đặt tại căn cứ quân sự ở Subic từ đầu năm 2016. Đây là hai trong số hơn 10 chiến đấu cơ mà Philippines đặt mua từ Korea Aerospace từ năm ngoái. Theo dự kiến, toàn bộ số máy bay chiến đấu này sẽ được đặt ở Subic.
Bên cạnh đó, Philippines cũng sẽ đưa hai tàu khu trục cỡ nhỏ tới cảng Alava trên vịnh Subic.
Hai vị tướng đề nghị giấu tên nói rằng, vị trí tiếp giáp với biển Đông và những thuận lợi trong việc đưa căn cứ hải quân ở Subic đi vào hoạt động là lý do cho động thái trên của Philippines.
Các chuyên gia an ninh nhấn mạnh rằng vịnh Subic chỉ cách bãi cạn Scarborough có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines 270 km. Quần đảo Trường Sa nằm cách xa hơn về phía Tây Nam của bãi cạn này.
Theo ông Patrick Cronin, chuyên gia thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington, một ngày nào đó, Trung Quốc có thể biến Scarborough trở thành một hòn đảo nhân tạo. Khi đó, Philippines sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi đảo Luzon.
“Việc mở cửa trở lại căn cứ ở Subay có vẻ như là một bước đi phòng thủ khôn ngoan”, ông Cronin nhận xét.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate