January 16, 2023 | 18:47 GMT+7

Loạt kỷ lục của thương mại Trung Quốc trong năm 2022

Bình Minh -

Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong năm 2022 đạt gần 890 tỷ USD, cao nhất mọi thời đại...

Những container hàng hoá ở cảng Thanh Đảo của Trung Quốc, tháng 6/2022 - Ảnh: Getty/CNN.
Những container hàng hoá ở cảng Thanh Đảo của Trung Quốc, tháng 6/2022 - Ảnh: Getty/CNN.

Trung Quốc lập kỷ lục thặng dư thương mại trong năm 2022, khi lĩnh vực xuất khẩu của nước này đạt tốc độ tăng trưởng bùng nổ trong phần lớn thời gian của năm, mang lại sự hỗ trợ rất cần thiết cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vốn đã “liêu xiêu” vì chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid.

Tuy nhiên, sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12 có thể báo hiệu cho những thách thức vào đầu năm 2023 khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu.

Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy tổng giá trị thương mại hàng hoá của nước này đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2022 là 42,07 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 6,3 nghìn tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2021.

Nếu tính bằng USD, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7% trong năm 2022, còn nhập khẩu tăng 1,1%. Từ đó dẫn đến mức thặng dư thương mại 877,6 tỷ USD, vượt qua mức kỷ lục cũ 676 tỷ USD thiết lập vào năm 2021.

Mức thặng dư khổng lồ này là do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng trong nửa đầu năm 2022, khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu và giá hàng hoá tăng mạnh đưa kim ngạch xuất khẩu tăng bùng nổ.

Tuy nhiên, xu hướng bắt đầu thay đổi từ tháng 10. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 0,3% trong tháng 10, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ giữa năm 2020. Đến tháng 11, kim ngạch xuất khẩu của nước này giảm 8,7%.

Số liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm sâu hơn trong tháng 12, với mức giảm được ghi nhận là 9,9% so với cùng kỳ năm trước, mạnh nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát thành đại dịch toàn cầu vào tháng 2/2020.

“Sự sụt giảm này là do suy giảm nhu cầu toàn cầu đối với hàng hoá Trung Quốc, cũng như một số gián đoạn trong mạng lưới logistics và chuỗi cung ứng hàng hoá xuất phát từ tình trạng khan hiếm lao động trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm Covid khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại”, một báo cáo của Capital Economics nhận định.

Trung Quốc đột ngột dỡ bỏ chính sách Zero Covid vào đầu tháng 12 và động thái này đã dẫn tới một làn sóng lây nhiễm mạnh trên toàn quốc. Dù đã được lường trước, làn sóng lây nhiễm này vẫn gây gián đoạn hoạt động sản xuất và tiêu dùng ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm 7,5% trong tháng 12, mức giảm thấp hơn so với cú giảm 10,6% ghi nhận trong tháng 11. Giới phân tích dự báo việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhưng nhập khẩu sẽ còn yếu trong mấy tháng tới.

“Làn sóng Covid xuống nhanh khi Trung Quốc thích nghi với việc ‘sống chung với Covid’, cùng với các biện pháp hỗ trợ chính sách trên diện rộng, sẽ dẫn tới sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước, kéo nhập khẩu tăng”, Capital Economics nhận định. Tuy nhiên, báo cáo nói rằng do tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế ngoài Trung Quốc đang chậm lại, xuất khẩu của nước này có thể tiếp tục suy giảm cho tới giữa năm.

Số liệu mới công bố cũng cho thấy thương mại giữa Trung Quốc với Nga đạt mức cao kỷ lục mới trong năm 2022.

Thương mại hàng hoá giữa hai nước đạt 1,28 nghìn tỷ USD, tương đương 190 tỷ USD, trong năm 2022, tăng hơn 30% so với năm 2021. Giá trị này chiếm 3% tổng thương mại của Trung Quốc. Hai nước đã thắt chặt quan hệ kinh tế kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Bắc Kinh vào tháng 2/2022.

Ngoài ra, các số liệu trước đó cũng cho thấy Trung Quốc đẩy mạnh dầu thô và than từ Nga trong bối cảnh các nước phương Tây cắt giảm nhập khẩu dầu Nga. Số liệu công bố tháng 12 cho thấy Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate