Bộ Giao thông vận tải vừa có Văn bản số 7885/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Đồng Nai về kiến nghị đẩy nhanh xây dựng tuyến cao tốc Long Thành - TP. Hồ Chí Minh; Biên Hòa - Vũng Tàu và các tuyến đường vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành để phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân trong vùng tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội.
MỞ RỘNG CAO TỐC TP. HỒ CHÍ MINH - LONG THÀNH LÊN 8 LÀN XE
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải cho hay thứ nhất, về đầu tư xây dựng mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là một phần của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được hoàn thành tháng 6/2016 với quy mô 4 làn xe. Trong đó, phạm vi từ nút giao An Phú - Vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh do UBND TP. Hồ Chí Minh quản lý; phạm vi từ Vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh đến nút giao đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác.
Theo số liệu thống kê, từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng, trung bình khoảng 10%/năm. Đáng quan ngại, phạm vi từ nút giao An Phú (TP. Hồ Chí Minh) đến nút giao Long Thành khai thác vượt so với năng lực thông hành của tuyến.
Còn phạm vi từ nút giao Long Thành đến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vẫn có thể bảo đảm khai thác với quy mô hiện hữu giai đoạn đến năm 2030.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20501 , đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây phạm vi từ TP. Hồ Chí Minh - Long Thành được quy hoạch với quy mô 10 làn xe, tiến trình đầu tư giai đoạn trước năm 2030.
Như vậy, "việc nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành (từ nút giao An Phú tới nút giao Long Thành) là cần thiết, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ được phê duyệt cũng như đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại của nhân dân", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành phạm vi từ Vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh đến nút giao Long Thành; đồng thời đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư mở rộng tuyến phạm vi từ nút giao An Phú tới đường vành đai.
Phấn đấu hoàn thành dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành 8 làn xe, đưa vào khai thác đồng bộ với thời điểm hoàn thành giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Vừa qua, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đề xuất phương án giao VEC tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành với quy mô 8 làn xe.
Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo VEC hoàn thiện phương án nghiên cứu.
Đồng thời tích cực phối hợp với các bộ, ngành, UBND TP. Hồ Chí Minh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành.
Theo tính toán kinh phí thực hiện dự án khoảng trên 9.000 tỷ đồng.
KHAI THÁC ĐỒNG BỘ CAO TỐC BIÊN HOÀ - VŨNG TÀU NĂM 2026
Thứ hai, về đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ Giao thông vận tải cho biết ngày 16/6 vừa qua, Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 59/2022/QH15 thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 với mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương có liên quan tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân cấp cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến cao tốc theo hình thức đầu tư công.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư dự án là 17.837 tỷ đồng và được phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt về thu hồi vốn, quản lý đầu tư xây dựng.
Trong đó, đối với dự án xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kiến nghị giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản dự án thành phần 1 với chiều dài dự kiến 16 km.
Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản dự án thành phần 2 với chiều dài dự kiến 18,2 km. Còn lại UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản dự án thành phần 3 dự kiến 19,5 km.
Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải chuyển kết quả nghiên cứu tiền khả thi của dự án tới chính quyền các địa phương thông qua các cơ quan đầu mối (tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để thuận lợi trong quá trình triển khai.
Đồng thời xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 90/NQ-CP ngày 25/7/2022 triển khai Nghị quyết số 59/2022/QH15 của Quốc hội.
Sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, các cấp chính quyền, tiến độ triển khai thực hiện dự án sẽ được đẩy nhanh, phấn đấu hoàn thành theo mục tiêu đề ra.
Theo đó, dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.
SỚM KHỞI CÔNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG KẾT NỐI
Thứ ba, về đầu tư xây dựng các tuyến đường vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo Bộ Giao thông vận tải, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2025.
Cùng với đó, công tác triển khai đầu tư một số dự án giao thông trong khu vực cũng đã, đang được thực hiện hoặc trong giai đoạn chuẩn bị dự án để bảo đảm khả năng khai thác đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi hoàn thành giai đoạn 1, gồm có dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành; dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án xây dựng tuyến giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh ...
Đối với các tuyến giao thông kết nối trực tiếp tới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hiện nay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang thực hiện đầu tư đồng bộ cùng với dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Trong đó, "tuyến kết nối số 1 kết nối trực tiếp Cảng hàng không quốc tế Long Thành với Tỉnh lộ 25C; tuyến kết nối số 2 kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với nút giao giữa đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51", Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Đối với Tỉnh lộ 25C, đây là tuyến đường kết nối trực tiếp từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành với đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, tập trung khai thác hỗn hợp các phương tiện vận tải (cơ giới và thô sơ) từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi/đến khu vực TP. Hồ Chí Minh (thông qua đường Vành đai 3) hoặc các tỉnh miền Tây Nam Bộ (thông qua cao tốc Bến Lức - Long Thành).
"Với mật độ lưu lượng vận tải lớn sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác, việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường Tỉnh lộ 25C đạt quy mô 8 làn xe là rất cần thiết", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, công tác đền bù và thu hồi đất, bàn giao mặt bằng để khởi công vào tháng 10/2022. Từ đó, sớm tập trung đầu tư hoàn thiện tuyến đường Tỉnh lộ 25C với quy mô 8 làn xe và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh (đoạn từ Tỉnh lộ 25B tới cao tốc Bến Lức - Long Thành), bảo đảm hoàn thành đồng bộ với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Cùng với đó, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để sớm đầu tư hoàn thiện các công trình nêu trên, phục vụ khả năng kết nối, nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế xã hội.