Không đủ tiền mua thì có thể... cho thuê
Giá pin đắt đỏ là rào cản đầu tiên khiến không ít người dùng chùn tay khi muốn mua một chiếc ô tô điện. Tại Việt Nam, một bộ pin VinFast VF8 có giá 384 triệu đồng, pin Vinfast VF9 giá từ 479 - 493 triệu đồng, chiếm 24-26% tổng giá trị xe. Đây đã là mức giá được cho khá “dễ thở” nếu so sánh với các mẫu xe điện khác trên thị trường. Ví dụ, tại Indonesia, một bộ pin Hyundai Ioniq 5 có giá bán dao động từ 374 - 429,5 triệu rupiah (khoảng 591 - 678 triệu đồng), chiếm 50% tổng giá trị xe. Với các mẫu xe điện thương hiệu Mỹ, Châu Âu như Ford, Volkswagen, BMW, giá pin có thể lên đến gần 30.000 USD, tương đương với việc mua thêm một chiếc xe chạy xăng cùng loại.
Bên cạnh đó, pin xe điện là một sản phẩm có tỷ lệ hao phí theo thời gian. Tương tự các mô-đun pin trên điện thoại thông minh, laptop hay máy tính bảng, pin xe điện cũng bị giảm hiệu suất sử dụng năng lượng khi dùng liên tục ở cường độ cao và trong một khoảng thời gian dài. Mặc dù đa số các nhà sản xuất đều cam kết bảo hành pin của mình từ 5-10 năm hoặc 200.000 km, nhưng sau đó sẽ ra sao thì chưa có một báo cáo, nghiên cứu nào cụ thể để cung cấp cho khách hàng. Rõ ràng, thay một ăc-quy ô tô chạy xăng với giá một vài triệu đồng sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc thay một bộ pin ô tô điện có giá hàng trăm triệu đồng.
Để khắc phục vấn đề trên, một số hãng xe mở ra chính sách cho thuê pin dành cho khách hàng khi mua ô tô điện. Nghĩa là, khách hàng vẫn chi trả phần lớn giá trị của chiếc xe. Riêng pin vẫn là tài sản của hãng xe và khách hàng phải chi trả một khoản tiền cố định hàng tháng để thuê nó.
Chính sách cho thuê pin hiện đang được áp dụng trên các mẫu xe điện của Renault, Nissan và Vinfast. Theo đó, giá thuê pin thông thường dao động từ 100-150 USD/tháng, tương đương tiền đổ xăng. Nhà sản xuất sẽ thay thế pin mới cho khách hàng nếu có lỗi phát sinh hoặc hiệu suất sử dụng pin giảm xuống khoảng 60-75% so với công suất ban đầu.
Theo khuyến nghị của nhà sản xuất, khi áp dụng chính sách thuê pin, pin sẽ luôn được đảm bảo trạng thái tốt nhất theo tiêu chuẩn. Pin sẽ được thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng miễn phí nếu phát sinh lỗi do nhà sản xuất. Bên cạnh đó, những pin đã hết niên hạn sử dụng sẽ được quản lý một cách chặt chẽ, đảm bảo 100% pin sẽ được thu hồi và tái chế đúng cách.
Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách cho thuê pin không thực sự “được lòng” người dùng và cũng rất ít xuất hiện trên các mẫu xe điện tầm trung hay cao cấp. Lý do chính đến từ khoản phí định kỳ hàng tháng mà người dùng phải chi trả để xe có thể vận hành. Nếu mua đứt pin, người dùng chỉ cần sạc pin là có thể đi được bất kỳ lúc nào và bất kể bao xa.
Ngược lại, khi thuê pin, người dùng chỉ được di chuyển trong hạn mức số km nhất định, vượt quá hạn mức sẽ phải chi trả tiền “cước” cao hơn chi phí đổ xăng nhiều lần. Mặt khác, khi thuê pin, cho dù chủ xe có di chuyển hay không thì mỗi tháng đều mất một khoản tiền; qua nhiều năm, số tiền này không kém gì mua một chiếc xe mới. Ngoài ra, khi pin bị “chai” nhưng chưa xuống dưới 70% thì khách hàng vẫn phải “cắn răng” sử dụng vì chưa đủ điều kiện thay mới theo quy định của hợp đồng thuê pin.
Trong khi đó, chính sách cho thuê pin lại được khá nhiều người dùng Việt Nam ưa chuộng bởi có thể mua được xe với giá thấp hơn nhiều so với xe đã bao gồm pin. Bên cạnh đó, chính sách cho thuê pin của Vinfast cũng được đánh giá là nhiều ưu đãi hơn so với các hãng xe điện khác trên thế giới. Cụ thể, kể từ ngày 01/09/2022, khách hàng mua xe Vinfast VF 8 sẽ được áp dụng gói thuê pin cố định không giới hạn số km với giá 4.950.000 đồng/tháng. Chi phí này được cố định trong suốt vòng đời sản phẩm. Ngoài ra, chính sách thuê pin sẽ được gắn theo số Vin của xe, không gắn với chủ sở hữu xe, nghĩa là chủ sở hữu xe có thể dễ dàng chuyển nhượng xe cho người khác mà không phải lo lắng đến vấn đề thủ tục pháp lý liên quan đến thuê pin.
Không cần cắm sạc, đổi pin chỉ trong vài phút
Thực tế thì dù thuê pin hay mua đứt pin, người dùng xe điện vẫn còn nỗi lo thứ hai là hạ tầng trạm sạc và khả năng sạc nhanh. Một trụ sạc thường phải mất từ 8-12 tiếng để sạc đầy một chiếc ô tô điện, giúp xe di chuyển được 200-400 km. Một trụ sạc siêu nhanh có thể sạc từ 0-70% trong vòng 10-20 phút, nhưng chỉ giúp xe di chuyển được dưới 200 km. Cả hai phương thức sạc này đều chậm hơn rất nhiều so với việc đổ xăng, dầu trên xe dùng động cơ đốt trong truyền thống.
Khi hệ thống hạ tầng trạm sạc còn thiếu thốn và không phải ai cũng có mặt bằng, thiết bị để sạc qua đêm tại nhà, nỗi lo hết điện khi đang trên đường vẫn luôn thường trực đối với người dùng, đặc biệt với những người thường xuyên di chuyển xa hoặc tài xế taxi, xe công nghệ.
Trong bối cảnh đó, dịch vụ đổi pin ra đời nhằm khắc phục những khiếm khuyết của trạm sạc truyền thống. Đó là những trạm cung cấp các khối pin đơn lẻ đã được sạc đầy. Khách hàng chỉ cần mang xe đến trạm để đổi lấy pin mới sau khi đã chi trả tiền dịch vụ. Dịch vụ này đã xuất hiện từ khá sớm với Better Place, công ty công nghệ từng được kỳ vọng có thể thành công như Tesla. Tuy nhiên, do các vấn đề hậu cần và chi phí cơ sở hạ tầng quá lớn khiến Better Place chỉ có thể đưa vào vận hành khoảng 1.000 xe trước khi nộp đơn xin phá sản năm 2013.
Ý tưởng đổi pin xe điện chỉ thực sự được hiện thực hóa thành một hệ thống dịch vụ quy mô lớn kể từ khi Nio, một hãng xe điện của Trung Quốc “nhập cuộc”. Hiện tại, hãng này đã ra mắt trạm đổi pin Nio thế hệ thứ ba. Toàn bộ quy trình đổi pin được thực hiện hoàn toàn tự động và hoàn thành trong 3 phút, tương đương với thời gian đổ xăng thông thường. Mỗi ngày, một trạm có thể phục vụ khoảng 408 xe. Đối tượng sử dụng là khách hàng mua xe Nio có đăng ký thuê và đổi pin chính hãng. Đại diện Nio cho biết, trong năm 2023, hãng sẽ lắp đặt 1.000 trạm mới ở Trung Quốc, nâng tổng số trạm hiện có lên 2.300 trạm và tiến tới lắp đặt 5.000 trạm đổi pin trên toàn cầu vào năm 2025.
Giáo sư Ferdinand Dudenhoeffer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô tô (CAR) tại Đại học Duisburg-Essen (Đức) nhận định, thời gian đầu, Châu Âu đã “coi nhẹ” tiềm năng của dịch vụ đổi pin và cho rằng nó sẽ “chết yểu” như Better Place trước đó. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của các hãng xe điện Trung Quốc và các dịch vụ đi kèm đã cho thấy điều ngược lại. “Cho đến nay, tất cả các nhà sản xuất ô tô ở Đức đều nói rằng dịch vụ đổi pin sẽ không xuất hiện ở châu Âu. Tôi tin rằng điều đó không đúng. Dịch vụ này sẽ mang lại lợi ích ở các thành phố lớn như London, Paris hay Berlin và những người kinh doanh dịch vụ taxi sẽ được hưởng lợi lớn nhất, giống như cách mà nó đang diễn ra tại Trung Quốc”, Dudenhoeffer nói.
Hiện tại, không chỉ có Nio mà ngay cả hãng xe Geely, Công ty công nghệ Aulton và Công ty dầu khí Sinopec cũng bắt đầu nhập cuộc với tham vọng lắp đặt 24.000 trạm đổi pin tại Trung Quốc vào năm 2025. Điều này cho thấy, dịch vụ cho thuê và đổi pin đang trở thành một đối thủ “đáng gờm” với các trạm sạc xe điện truyền thống.
“Giải pháp này có những ưu điểm chính là chi phí thấp hơn nhiều so với việc mua đứt pin và thời gian sử dụng pin cũng lâu hơn do nó luôn được sạc trong điều kiện lý tưởng. Bên cạnh đó, người dùng được lựa chọn công suất pin, thay vì một bộ pin tiêu chuẩn đi theo xe. Ví dụ pin tiêu chuẩn là loại đi được 500 dặm, nhưng nhu cầu của tôi không nhiều đến vậy thì tôi có thể đổi pin có công suất nhỏ hơn như 200, 300 dặm để tiết kiệm thêm chi phí. Và đừng quên rằng, pin ở đây thường được sạc vào ban đêm, vừa rẻ vừa đảm bảo an ninh năng lượng”, Giáo sư Dudenhoeffer cho biết thêm.
Mặc dù vậy, dịch vụ đổi pin cũng có những nhược điểm nhất định. Vấn đề đầu tiên là chi phí lắp đặt một trạm đổi pin rất lớn. Nếu không nhờ chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ chính phủ, Nio rất khó có thể đạt được thành công như hiện tại. Thứ hai là, việc lắp đặt trạm đổi pin đòi hỏi công nghệ cao do toàn bộ quy trình được tự động hóa bằng máy móc, robot. Thứ ba là các trạm đổi pin này chủ yếu phục vụ cho các mẫu xe của một hãng cụ thể, khó tương thích với các hãng xe, mẫu xe khác. “Để dịch vụ này có thể phát triển thay thế cho trạm sạc truyền thống thì các hãng xe phải đạt được thỏa thuận cùng xây dựng một tiêu chuẩn chung về công nghệ pin. Điều này gần như bất khả thi vì công nghệ pin là một phần lợi thế cạnh tranh của các nhà sản xuất”, Pedro Palandrani, Giám đốc nghiên cứu Global X ETF nói.
Như vậy, dịch vụ cho thuê pin hay đổi pin thực chất chỉ là giải pháp tình thế cho nỗi lo hết pin của xe điện. Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có một hệ thống trạm sạc bài bản, đạt tiêu chuẩn phủ khắp các thành phố để giải quyết “cơn khát” năng lượng và giúp người dùng yên tâm hơn khi chuyển đổi sang xe điện. Chỉ có như vậy thì sự phát triển của xe điện mới được đảm bảo lâu dài và người dùng không còn tâm lý e ngại trước cái tên "xe điện".