Bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp quý 3/2021 ghi nhận trái chiều giữa các doanh nghiệp…
SÁNG - TỐI LỢI NHUẬN BẤT ĐỘNG SẢN KHU CÔNG NGHIỆP
Cụ thể, báo cáo tài chính quý 3/2021 của Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) ghi nhận doanh thu thuần gần 38 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu mảng kinh doanh bất động sản đầu tư chỉ bằng 27% so với quý 3 năm trước. Lợi nhuận gộp của NTC chỉ còn hơn 21 tỷ đồng, giảm 74%. Doạnh thu tài chính của NTC cũng ghi nhận giảm 17%, còn gần 42 tỷ đồng, do đó, lãi sau thuế quý 3 của NTC còn 48,5 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, NTC báo lãi sau thuế hơn 212 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, báo cáo tài chính quý 3/2021 của Công ty CP Thống Nhất (HNX: BAX) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Theo đó, quý 3/2021, BAX ghi nhận doanh thu chỉ còn gần 19 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái là 248,6 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính giảm nhẹ trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp gần như không đổi dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh còn 7,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của BAX còn 6,7 tỷ đồng trong khi năm ngoái là 121 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2021, BAX lãi sau thuế 31 tỷ đồng, giảm 3,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 54% kế hoạch cả năm đề ra là 54,2 tỷ đồng. Ban lãnh đạo doanh nghiệp lý giải, nguyên nhân chính do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, còn các công trình buộc phải tạm ngừng thi công. Do đó, Công ty chưa thể hoàn thiện bàn giao nhà ở tại Khu Trung tâm dịch vụ cho khách hàng và ghi nhận doanh thu theo kế hoạch đề ra.
Tại cuộc họp thường kỳ quý 3/2021 vừa qua, HĐQT BAX đã thống nhất với kiến nghị của công ty đối với việc điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đại hội đồng cổ đông giao từ đầu năm 2021. Dự kiến tại ngày họp đại hội cổ đông bất thường vào 17/11 tới đây, BAX sẽ trình cổ đông thông qua tờ điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.
Ở chiều ngược lại, Công ty CP Sonadezi Châu Đức vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 với doanh thu tăng 81% và lãi ròng tăng 79%, lần lượt đạt mức 167 tỷ đồng và 66 tỷ đồng. Trong quý 3/2021, SZC ghi nhận doanh thu gần 168 tỷ đồng, tăng 81% so cùng kỳ. Lãi gộp tăng gần gấp đôi lên mức 99 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí và thuế, SZC ghi nhận lãi ròng gần 67 tỷ đồng, tăng 79% so với quý 3/2020. Cộng với các kết quả 2 quý đầu năm 2021, SZC báo lãi lũy kế gần 256 tỷ đồng, tăng 57% so cùng kỳ. Công ty đã vượt 45% kế hoạch đề ra cả năm.
Hay tại đại hội đồng cổ đông mới đây, ban lãnh đạo Tổng công ty Idico (IDC) tiết lộ, quý 3, lợi nhuận đạt khoảng 160 tỷ đồng (giảm so với con số quý 3/2020), tuy nhiên, quý 4 sẽ đưa khu công nghiệp Mỹ Sơn A vào hạch toán, lợi nhuận trước thuế khoảng 700 tỷ đồng. HĐQT cũng trình điều chỉnh tăng kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ năm nay từ 996 tỷ đồng lên 1.711,4 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng từ 460,3 tỷ lên 1.032,3 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2021 cũng được tăng từ 10% lên 40%, gồm 30% tiền mặt và 10% cổ phiếu.
Đối với KBC, dù chưa công bố kết quả kinh doanh chính thức song chứng khoán Agriseco đánh giá, dự kiến quý 3 và 4 là điểm rơi lợi nhuận khi ghi nhận các dự án đang triển khai từ năm trước và các dự án mới được cấp phép như KCN Quang Châu, KCN Tân Phú Trung và KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh.
CỔ PHIẾU BẤT ĐỘNG SẢN KHU CÔNG NGHIỆP CÒN HẤP DẪN?
Đánh giá về triển vọng cổ phiếu nhóm này, chứng khoán Agriseco cho rằng, P/B và P/E trung bình ngành hiện tại lần lượt ở mức 2,7x và 23,3x, đều tăng khoảng 30% so với trung bình giai đoạn 2017 – 2020. Mức định giá này đã cao hơn so với quá khứ dù vậy thì cũng chưa phản ánh hết tiềm năng của ngành.
Chưa kể, rủi ro với ngành là dòng vốn FDI đang chững lại trong ngắn hạn, các khách hàng thuê khu công nghiệp hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp FDI với tỷ lệ 51% trên tổng số dự án đầu tư và chiếm 67% tổng vốn đăng ký mới.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vốn đăng ký mới các dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/9 có 1.212 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 37,8%, tổng vốn đăng ký đạt gần 12,5 tỷ USD tăng 20,6% so với cùng kỳ. Có 678 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư giảm 15%, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,4 tỷ USD tăng 25,6% so với cùng kỳ. Có 2.830 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 45,3%, tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,2 tỷ USD giảm 43,8% so với cùng kỳ.
Dịch covid diễn biến phức tạp những tháng gần đây dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 13,28 tỷ USD trong 9 tháng năm 2021, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 5,5 điểm phần trăm so với 8 tháng năm 2021.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, kho bãi, logistics của Việt Nam chưa thực sự phát triển so với các nước trong khu vực có thể khiến dòng vốn FDI chững lại. Cụ thể, chi phí vận chuyển cao nhất so với các quốc gia khác ở mức 25% sẽ gây khó khăn trong việc cung ứng hàng hóa.
Theo Savills, chỉ các doanh nghiệp nằm gần trục giao thông như Bắc Ninh, Bắc Giang, Long An thì mới có thể giảm thiểu chi phí vận chuyển. Ngoài ra, việc các khu công nghiệp xảy ra tình trạng thiếu điện để vận hành cũng là một rủi ro khiến các doanh nghiệp khó mở rộng sản xuất.
FiinPro cũng cho rằng giãn cách xã hội do Covid-19 làm giảm nhu cầu mở rộng nhà xưởng cũng như thuê mới tại nhiều khu công nghiệp phía Nam trong khi đó tác động không đáng kể đến hoạt động các khu công nghiệp phía Bắc. Lợi nhuận sau thuế năm 2021 dự kiến tăng 41,5% so với cùng kỳ.
“Dư địa tăng giá cho thuê không còn nhiều trong khi chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến tăng mạnh do giá đất tại nhiều tỉnh thành đã tăng mạnh trong cơn sốt đất nửa đầu năm là hai yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần cân nhắc khi xem xét đầu tư cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trong năm 2022”, Fiin Pro nhấn mạnh.