Báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2014 giai đoạn 2016 – 2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2016, cơ cấu đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội có sự thay đổi so với giai đoạn trước, chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ, giảm dần tỷ lệ đầu tư vào các Ngân hàng thương mại.
HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ CHƯA CAO
Tất cả các khoản vay của Ngân sách Nhà nước được chuyển đổi thành trái phiếu Chính phủ. Bắt đầu từ năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đầu tư trái phiếu Chính phủ thông qua hình thức tham gia đấu thầu trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Điều này giúp nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư quỹ và góp phần phát triển thị trường vốn tại Việt Nam; tạo sự minh bạch trong quản lý nợ công và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ. Tỷ lệ đầu tư vào danh mục trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2019 duy trì ở mức trên 80% số dư tại thời điểm 31/12 hằng năm.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, công tác quản lý về đầu tư quỹ ngày càng chặt chẽ, thống nhất thông qua các quy định về đầu tư quỹ và sử dụng kết quả đầu tư quỹ. Cùng với việc tăng đối tượng tham gia, tăng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên Quỹ bảo hiểm xã hội có kết dư lớn, mức gia tăng kết dư quỹ bình quân trên 20% giai đoạn 2010-2020.
Hiện nay, quy định quản lý đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định số 30/2016/NĐ-CP, trong đó quy định rõ hình thức và tỷ trọng đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Mặc dù vậy, Bộ cũng cho rằng, hiệu quả đầu tư của quỹ chưa cao. Danh mục tập trung vào trái phiếu Chính phủ (khoảng 85% tổng dư nợ đầu tư). Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang được hưởng lợi từ đầu tư trái phiếu Chính phủ do lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm trước ở mức khá cao (khoảng 8-12%, cá biệt có thời điểm đạt khoảng 16%).
Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Lãi đầu tư bình quân năm 2018 đạt 6,4%, cao hơn tốc độ trượt giá của năm 2018 là 3,54%. Lãi suất đầu tư bình quân năm 2019 còn 5,8%, cao hơn tốc độ trượt giá của năm 2019 là 2,79%. Số tiền sinh lời của hoạt động đầu tư trong năm 2018 tăng 5,68% so với năm 2017, tuy nhiên lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội năm 2018 tăng 6,92% so với năm 2017.
Do đó, tốc độ tăng lợi nhuận đầu tư không đủ bù đắp tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng năm, nên phải chi trả từ tiền đóng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
“Với danh mục đầu tư hiện nay và tình hình kinh tế - xã hội, thị trường không có biến động, chỉ số giá tiêu dùng duy trì thì lãi từ hoạt động đầu tư chỉ đủ bù đắp trượt giá. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng tăng cao thì lãi từ hoạt động đầu tư không đủ bù đắp trượt giá”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định.
ĐA DẠNG HÓA CÁC DANH MỤC ĐẦU TƯ QUỸ
Trước thực tế tốc độ sinh lời từ hoạt động đầu tư còn hạn chế và có xu hướng giảm dần, từ mức trung bình khoảng 8-9%/năm còn khoảng 2,8-2,5%/năm vào năm 2021, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc đa dạng hóa sang các “tài sản” đầu tư khác là cần thiết.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và đổi mới mô hình tăng trưởng, quá trình già hóa dân số, nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội ngày càng cao, việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng năm, đòi hỏi Quỹ bảo hiểm xã hội phải được đảm bảo an toàn, bền vững, có thể thu hồi khi cần thiết, hiệu quả trong dài hạn, đáp ứng trách nhiệm chi trả chế độ trong hiện tại và tương lai.
Các hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật hiện nay an toàn nhưng hiệu quả chưa cao, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Cơ quan này cũng cho rằng, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư là xu thế tất yếu của các quỹ hưu trí trên thế giới, như Canada, Australia, Malaysia, Hàn Quốc...
Tuy nhiên, lợi nhuận càng cao thì mức độ rủi ro càng cao. Vì vậy, để đa dạng hóa danh mục đầu tư theo chủ trương tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo hoạt động đầu tư an toàn, bền vững, hiệu quả, đòi hỏi quy định danh mục đầu tư đa dạng cả loại tài sản an toàn và loại tài sản có tính chất rủi ro hơn trong Luật.
Đồng thời quy định về quy trình đầu tư, quản lý rủi ro, và giao Chính phủ quy định cụ thể lộ trình đa dạng hóa các loại tài sản đầu tư và cơ cấu đầu tư phù hợp với mục tiêu và năng lực đầu tư của cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định mới về nguyên tắc đầu tư; danh mục và phương thức đầu tư; quản lý hoạt động đầu tư.