July 19, 2023 | 09:00 GMT+7

Long An tổ chức hội nghị bàn giải pháp chống “tham nhũng vặt”

Khởi Anh -

Trong 4 năm qua, Long An đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.405 trường hợp để ngăn ngừa tham nhũng, "tham nhũng vặt". Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện đồng bộ, liên tục...

Long An tập trung phòng ngừa tham nhũng vặt để không làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh
Long An tập trung phòng ngừa tham nhũng vặt để không làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh

Tỉnh ủy Long An vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 04 năm thực hiện Kế hoạch số 82-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống “tham nhũng vặt”.

Theo báo cáo của địa phương này, thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống "tham nhũng vặt" được tăng cường và có nhiều đổi mới; nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức và nhân dân về phòng, chống "tham nhũng vặt" được nâng lên.

Công tác cải cách hành chính; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý, nhất là đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số đã được thực hiện ở nhiều cơ quan, địa phương. Việc chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với một số vị trí nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao được thực hiện thường xuyên. 

Trong 4 năm qua, Long An đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.405 trường hợp. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, kiểm tra công vụ được thực hiện đồng bộ; tập trung các lĩnh vực trọng điểm, như: Quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm, quản lý tài sản công; thực hiện chính sách xã hội...

Tuy nhiên công tác chống "tham nhũng vặt" tại Long An vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Người dân chưa mạnh dạn tố giác, còn tâm lý e ngại khi phản ánh, kiến nghị về các hành vi "nhũng nhiễu", "vòi vĩnh", "tham nhũng vặt"; một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác phòng, chống "tham nhũng vặt"; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tình trạng "tham nhũng vặt" trong nội bộ, cơ quan, đơn vị vẫn còn yếu.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được đề nghị cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, "tham nhũng vặt" tại địa phương, cơ quan, đơn vị ngày càng hiệu quả hơn nữa.

Liên quan tới “tham nhũng vặt” tại các tỉnh, thành của Việt Nam, theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, có 71,7% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận: Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục là phổ biến. Tỷ lệ này tăng mạnh so với mức 57,4% của năm 2021 và 54,1% trong năm 2019 và năm 2020.

Báo cáo PCI còn cho biết tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế đã gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,54% trong năm 2022.

Đối với người dân, trong quá trình sinh sống và làm việc ở địa phương, họ không ít lần phải đến cơ quan công quyền thực hiện thủ tục hành chính, từ hồ sơ học hành của con cái, tới giấy chứng nhận, xác nhận, chấp thuận trong các lĩnh vực như y tế, đăng kiểm, trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, đất đai…

Những dịch vụ công phổ biến đó thường có quy định, quy trình và biểu giá rõ ràng, nhưng một bộ phận cán bộ đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để “vặt” hoặc cố tình gây khó khăn nhằm “vòi vĩnh”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate