Tết đến là nhà tôi rộn ràng lắm. Mẹ bảo ai thích sinh con trai chứ mẹ lại thấy mình may mắn khi có hai con gái vì chị em tôi biết phụ mẹ rất nhiều thứ. Từ quét dọn nhà cửa, lau rửa ấm tách đến giặt giũ chăn, màn... Đến lúc đi chợ Tết, mẹ luôn dắt cả hai chị em tôi theo "để dạy gì thì dạy cùng lúc, khỏi mất công dạy từng đứa". Không chỉ thế, chúng tôi còn là những "tay thồ" đắc lực phụ mẹ mang đồ về nhà. Đứa ôm cặp dưa hấu, đứa khiêng giỏ hoa, hững tiếng cười giòn tan như pháo Tết, rộn ràng suốt quãng đường từ chợ về nhà. Ngoài những thứ phải mua từ sớm, còn lại thì mẹ thường để đến 30 Tết mới mua vì theo mẹ, sát Tết người mua sắm thưa bớt rồi nên bán cũng rẻ hơn, ai cũng nôn nóng về sớm để chuẩn bị cúng giao thừa bán rẻ cho mau hết, nếu khéo chọn vẫn có thể mua được bánh trái còn tươi ngon, những chậu hoa kiểng đẹp vào lúc đó với giá rẻ. Chợ Tết miền Tây thường bày bán bộ trái cây cúng Tết gồm mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài, thể hiện mong ước “cầu vừa đủ xài”. Niềm hy vọng, lời nguyện cầu ở năm mới của người miền Tây quê tôi giản dị, chân thật thế thôi.
Hồi ấy, ba tôi đi làm xa, ở nhà chỉ có một mình mẹ với bà nội đã già, nhưng mẹ vẫn tranh thủ từng chút thời gian để lắng nghe những câu chuyện của hai chị em, chăm sóc hai chị em từng li từng tí. Đi chợ Tết, mẹ chẳng mua gì cho mình, nhưng năm nào hai chị em tôi chẳng có quà. Còn nhớ năm ấy, tôi chuẩn bị lên cấp hai, được mẹ dắt đi chợ tết mà ngây người ra như con ngốc làm mẹ phải nhắc chừng luôn. Biết tôi ước ao cái áo sơ mi trắng, mẹ dành dụm từng đồng một để mua cho tôi những hai cái áo, cái dài tay và cái ngắn tay, để mặc thay đổi. Niềm vui dâng lên trong tôi thật khó tả. Tôi mân mê, hít hà mãi mùi vải mới tinh tươm, nóng lòng mong ngóng đến giao thừa để được mặc. Ấy vậy mà chưa hết. Khi gần về, bỗng hai chị em tôi thấy một đám đông người đang xúm đen đỏ xunh quanh một người bán bong bóng. Có điều bình hơi anh ta bơm vào quả bong bóng không phải bằng chiếc bơm tay nhỏ xíu, mà bằng một bình gang lớn, to bằng thân cây chuối để dựng đứng. Bong bóng thì chúng tôi không lạ, nhưng bong bóng bay lên được thì hai chị em mới thấy lần đầu. Nhìn những chùm bong bóng đủ màu, nhỏ có, to có, chúng tôi mê mẩn cả người. Tôi đã giựt ra khỏi tay mẹ để chạy đến len lỏi vào tận chỗ người bán bong bóng, ngây người nhìn cái miệng rao hàng lơ lớ tiếng Hoa của anh ta: - Hầy! Cái lầy là pong póng pay á! San san tỏ tỏ mua về cho sắp nhỏ ló mầng há! Mẹ tôi phải khó nhọc lắm mới chen nổi vào đám đông đó để kéo tôi ra. Nhìn vào mắt tôi, mẹ biết tôi thèm muốn xiết bao quả bóng bay. Thời ấy ở quê, quà cho con trẻ thường là đồ ăn, đồ mặc là tốt lắm rồi, làm gì có nhà nào đủ tiền để mua cho con những thứ đồ chơi xanh đỏ mỏng manh. Thế nhưng, mẹ đã lục ra đồng xu cuối cùng trong người để mua cho hai chị em tôi mỗi người một quả bóng bay màu đỏ. Hai chị em tôi cầm sợi chỉ trắng buộc quả bong bóng bay, mắt sáng rực đi bên cạnh mẹ mà lòng lâng lâng cái cảm giác quả bóng đã kéo chúng tôi lên là là khỏi mặt đất. Quả bong bóng bay thời thơ ấu, những phiên chợ Tết quê, đã mang theo ước mơ và mong mỏi của mẹ tôi, chắp cánh bay bổng cho tôi suốt một quãng đời sau này. Mỗi lần nhớ đến từng ước mơ lần lượt trở thành sự thật vào mỗi phiên chợ Tết, tôi lại thầm biết ơn cách thức nuôi dạy của mẹ tôi. Tặng cho con trẻ những niềm vui vỡ oà để chào đón một năm mới rực rỡ.
Chỉ còn ít ngày nữa, bánh xe của thời gian sẽ chấm vạch ranh giới cuối cùng của một năm. Những ngày này khắp cả làng quê, phố phường không khí như sôi động hắn lên. Ai cũng muốn ra chợ để mua sắm một vài thứ gì đó chuẩn bị cho cái tết cổ truyền của dân tộc. Năm càng cạn ngày, chợ càng đông vui tấp nập, y như một ngày hội. Tiếng người, tiếng động cơ xe cộ hòa vào nhau tạo nên một âm thanh náo nhiệt, ồn ã. Tết đã đến rất gần. |
Băng Hảo