Thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp đã ra mắt bộ sưu tập NFT phiên bản giới hạn, với mỗi món đồ trong bộ sưu tập “Rương kho báu” có giá 39.000 Euro (gần 42.000 USD). Bộ sưu tập mang đến cho những khách hàng cơ hội độc quyền để mở khóa các sản phẩm và trải nghiệm sắp ra mắt.
Theo Vogue Business, Treasure Trunk sẽ được mở bán dưới dạng soulbound token, nghĩa là không thể chuyển nhượng sau khi mua, và sẽ chỉ có vài trăm mảnh được bán ra. Để có được một trong các “Rương kho báu”, khách hàng (có trụ sở tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản và Úc) có thể đăng ký qua danh sách chờ trên một trang web chuyên dụng, nơi họ sẽ được mời kết nối ví tiền điện tử của mình (cho phép Louis Vuitton kiểm tra tư cách chủ sở hữu của họ) và điền thông tin cá nhân (chẳng hạn như ID ví, tên và quốc gia).
Vào ngày 14/ 6, Louis Vuitton sẽ mời những người đăng ký được chọn tìm hiểu thêm về thế giới ảo của thương hiệu thông qua một trang web riêng, sau đó là lời mời vào ngày 16/6 để mua Treasure Trunk, sử dụng tiền điện tử hoặc tiền pháp định, trên một trang web chuyên dụng. Sau đó, những người chủ sở hữu NFT sẽ nhận được phiên bản vật lý của Treasure Trunk, đi kèm là đặc quyền mua sắm sản phẩm Louis Vuitton và tham gia sự kiện sắp tới của Louis Vuitton. Được cung cấp lần đầu tiên cách đây hơn 160 năm, những chiếc rương Louis Vuitton có thể có giá hàng chục nghìn đô la.
Louis Vuitton có một số quy định nghiêm ngặt để cấm chủ sở hữu bán hoặc chuyển nhượng các rương Via. Người nắm giữ không thể bán hoặc tặng nó cho người khác. Ngoài ra, sau khi mua “Rương kho báu”, bạn không thể trả lại, ngoại trừ ở các quốc gia EU, bạn có thể đổi ý trong vòng 14 ngày kể từ ngày đặt hàng.
Bộ sưu tập là một phần của dự án “Via” của Louis Vuitton, tiếng Latin có nghĩa là con đường. Chủ sở hữu Treasure Trunk có thể mua chìa khóa kỹ thuật số cấp để được truy cập vào các bộ sưu tập NFT trong tương lai của hãng. Mặc dù không được bán Treasury Trunk, nhưng khách hàng vẫn có thể bán các vật phẩm riêng lẻ thu tập được sau đó.
Thương hiệu coi Via là một chương mới, mở rộng khả năng truy xuất nguồn gốc (như đã thấy trong bộ sưu tập LV Diamonds, sử dụng chuỗi khối Aura) và các NFT tập trung vào sự kiện nhằm nuôi dưỡng và trao thưởng cho cộng đồng những người nắm giữ NFT.
Louis Vuitton đã lấn sân sang blockchain trong vài năm qua. Tháng 03/2019, LVMH đã tung ra kế hoạch triển khai blockchain với mục đích theo dõi xa xỉ phẩm. Tháng 04/2021, họ đã bắt tay với Cartier và Prada tạo ra Aura Blockchain Consortium để kiểm soát nạn giả mạo sản phẩm. Đến tháng 08/2021, hãng đã phát hành "Louis: The Game", một trải nghiệm trò chơi miễn phí mang đến cơ hội giành được 200 NFT nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200. Gần nhất là màn kết hợp với nghệ sĩ đương đại 93 tuổi Yayoi Kusama trong bộ sưu tập 10.000 NFT mang họa tiết chấm bi độc đáo.
Louis Vuitton chọn thời điểm này để ra mắt các NFT cũng rất đáng chú ý, vì các dự án NFT có thương hiệu đều đang chậm lại về tốc độ và trở nên im ắng hơn về mặt tiếp thị, đồng thời chu kỳ cường điệu hóa công nghệ đã lắng dần và chuyển sang các danh mục khác như trí tuệ nhân tạo. Nhiều người trong không gian Web3 đang coi giai đoạn này như một sự thiết lập lại, trong đó nhấn mạnh vào giá trị cộng đồng lâu dài thông qua các cách tiếp cận sản phẩm và trải nghiệm mới, đối lập với các thử nghiệm “công nghệ đổi lấy công nghệ” hoặc thay đổi giá trị thị trường.
Chiến lược hạn chế này – mới chỉ có ba lần ra mắt NFT trong nhiều năm – dường như đối lập với cách tiếp cận Web3 phong phú và đa dạng của đối thủ cạnh tranh Gucci. Liên tiếp trong những năm gần đây, Gucci đã hợp tác với Superplastic, 10KTF và The Sandbox, mở rộng thế giới ảo, phát hành quần áo kỹ thuật số và các mã thông báo.
Chiến lược của Louis Vuitton có lẽ giống với của Tiffany hơn (hiện cũng thuộc tập đoàn LVMH), thương hiệu từng cung cấp cho 250 chủ sở hữu Cryptopunks PFP tùy chọn mặt dây chuyền lấy cảm hứng từ Cryptopunk tùy chỉnh với giá tương đương 52.000 đô la vào thời điểm đó. “Rương kho báu” cũng gợi nhớ đến chiến lược tương tự của Hermès nhằm phân phối các mặt hàng có giá trị cao, nhu cầu cao như túi Birkin, được coi là chỉ dành cho những khách hàng đạt đến ngưỡng chi tiêu nhất định.
Điều đáng chú ý là, cũng trong năm ngoái, Louis Vuitton đã chọn Pharrell Williams, người đã sớm bày tỏ sự ủng hộ với metaverse và NFT, làm giám đốc sáng tạo mới của dòng thời trang nam giới. Do đó, lần ra mắt mới sản phẩm ảo nhất này có thể được coi là sự khởi đầu của một hành trình dài ít nhất là một năm của thương hiệu.
Hệ sinh thái NFT đã có những bước phát triển vượt bậc trong hai năm qua. Từ một mô hình công nghệ ngách trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la, khi NFT được được đông đảo sự quan tâm từ cộng đồng thì các ứng dụng của NFT cũng bắt đầu tăng lên rõ rệt. Những người sáng tạo nội dung và người nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ đã nhận ra được tiềm năng kiếm tiền từ IP của họ theo các cách chưa từng có trước đây.
Giờ đây, không chỉ các nghệ sĩ kỹ thuật số hay các nhà giao dịch NFT kiếm lợi từ khả năng không thay thế của NFT, mà còn là các diễn viên hài, nhà văn, vận động viên hay bất kỳ ai. Với tiềm năng tạo ra giá trị đáng kinh ngạc của NFT, điều quan trọng là chúng ta cần có một cái nhìn toàn cảnh các ứng dụng của NFT không chỉ trong không gian web3 mà còn cả web2 để có thể thấy được cách NFT đang ngày càng được sử dụng như một công cụ marketing để các doanh nghiệp xây dựng kết nối với người tiêu dùng trên thực tế và cả các phương tiện kỹ thuật số.
Hiện trò chơi "Louis: The Game" của Louis Vuitton đã có hơn hai triệu lượt tải xuống và khả dụng trên cả Android và iOS. Game NFT của Louis Vuitton liên tục phát triển và mở rộng để thêm các tính năng mới thú vị như có NFT của người nổi tiếng và các địa điểm mới. Thương hiệu đang hướng tới tệp khách hàng mới và trẻ hơn bằng cách tiếp cận mới với thương hiệu đã có tên tuổi của mình. Và với những ứng dụng kỹ thuật số sáng tạo về phong cách mang tính biểu tượng của mình, Louis Vuitton đang làm rất tốt trong việc định hình cả nghệ thuật và cảnh chơi game NFT.